Trăm nẻo đường... làm đẹp
Đến với nghề trang điểm cũng có nhiều trường hợp khác nhau. Diễn viên điện ảnh một thời vang bóng Ánh Minh, sau khi rút lui khỏi phim trường, đã vận dụng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực điện ảnh và chuyên tu về làm đẹp để về mở trường dạy kỹ thuật trang điểm thẩm mỹ Ánh Minh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM. Lan Hương, xinh đẹp hơn cả người mẫu, lại có trình độ, thay vì có thể làm việc ở bất kỳ công ty nước ngoài nào, nhưng vì muốn cùng chồng vốn làm nghề nhiếp ảnh gia "tát biển đông", nên quyết chí theo học nghề trang điểm. Cô bật mí, trước là để có nhau trong công việc, sau cũng tiện bề... theo dõi đức lang quân chụp hình các người mẫu, diễn viên "ra làm sao". Còn Hương Thủy thì "bị" người nhà thúc ép đi học nghề về mở thẩm mỹ viện, nhưng sau đó lại "lạc" luôn vào thế giới chỉ chuyên làm đẹp cho cô dâu. Thủy lý giải: "Theo mình, trong đời người đẹp nhất là lúc lên xe hoa. Với mình không gì vui hơn khi được nhìn nét mặt rạng rỡ của cô dâu trong ngày cưới do chính tay mình trang điểm".
Tự làm đẹp cho mình |
Cô giáo Thiên Kiều, nhà ở Bình Triệu, TP.HCM thì đơn giản hơn: "Mình học trang điểm chủ yếu là làm đẹp cho mình thôi, nên chỉ cần một khóa học ở Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM tốn vài trăm ngàn là có thể tự chủ được nhan sắc". Riêng Kim Phụng, tuy mới 26 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề, nói hồn nhiên: "Hồi mới 15 tuổi em đã theo người nhà ra phim trường phụ việc hóa trang cho các diễn viên. Mới đầu chỉ biết dậm phấn làm nền, tẩy trang cho người ta, dần về sau em được "trang điểm" cho các diễn viên quần chúng. Lần hồi em đâm ra "ghiền" hồi nào không hay...".
Làm dâu trăm họ
Tùy theo yêu cầu của người học, mỗi khóa học trang điểm hiện nay có giá cả khác nhau. Thấp nhất vài ba trăm ngàn, còn chuyên nghiệp hơn, bao luôn khách thực hành, bao mỹ phẩm kèm theo với cả trăm kiểu tóc khác nhau, thì giá khoảng từ 1.000 đến 1.500 đô la. |
Cái chính của nghề trang điểm là sự khéo tay, nhẫn nại, biết quan sát, biết cách tôn vinh những nét đẹp cũng như biết cách che bớt những khuyết điểm trên gương mặt của khách. Công tác tư vấn, hiểu rõ tâm lý cho khách hàng cũng là những điều cần thiết. Nhiều cô dâu khi tới trang điểm dẫn theo người nhà, nên cũng lắm ý kiến ra vào, khen chê lẫn lộn, dẫn đến tình trạng nhân vật chính mất tự tin, phải trang điểm hai lần ở hai tiệm khác nhau, gây tốn kém và mất cả thời gian. Cũng có khách tới yêu cầu làm theo mode Hàn Quốc, trong khi đôi mắt chỉ có một mí giống kiểu Nhật Bản! Có khách nhìn rất đỗi bình thường, nhưng cứ một hai đòi phải trang điểm cho tôi thật giống... Madonna thì mới gợi tình (?!). Thậm chí có cô dâu mặc áo cưới màu xanh lumineux, nhưng cứ bắt trang điểm đôi mắt màu vàng kim tuyến, đôi môi màu đỏ mọng, khiến người trang điểm như lạc vào thế giới của... phim hoạt họa!
Vui buồn có đủ
Bạn Cẩm Quân, nhân viên tại một tiệm trang điểm cô dâu ở TP.HCM cho biết nếu chịu khó, khéo tay thì nghề này cũng dễ hái ra tiền. Tuy giá mỗi nơi có khác nhau, nhưng thấp nhất cũng phải từ 300 ngàn cho một lần trang điểm, cứng tay nghề hơn thì giá từ 400 ngàn đến 1 triệu đồng, chưa kể gặp phải đám cưới ở những gia đình khá giả thì mình còn kiếm thêm được các khoản tiền "bo". |
Ai vào nghề cũng muốn mình có tên tuổi, có người khẳng định nghề của mình qua việc hợp tác với báo chí, đăng hình các người mẫu của mình; cũng có người theo chân các đoàn phim, đoàn ca nhạc, được làm quen với các nghệ sĩ để tên tuổi dễ bay xa hơn; cũng có người ra tận nước ngoài học, nhằm tìm kiếm những "trường phái" mới, không đụng hàng... Cứ thế, phong trào làm đẹp theo xu hướng hiện đại ngày càng phát triển. u đó cũng là một niềm vui cho đời!
Một cô dâu sau khi được trang điểm |
Bá Phúc
Bình luận (0)