>> Nghề xưa còn một chút này - Mai một làng mộc Văn Hà
Nối nghề của “Bà Chúa tầm tang”
Người còn theo nghề là ông Đoàn Lượng (60 tuổi), hậu duệ đời thứ 16 của gia tộc họ Đoàn tại xã Duy Trinh ngày nay. Ông cũng là cháu đời thứ 12 của Hiếu chiêu hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc - vương phi của chúa thượng Nguyễn Phúc Lan. “Gia phả dòng họ ghi rõ, thủy tổ chúng tôi từ tỉnh Hải Dương vào vùng đất dọc bờ sông Thu Bồn vào khoảng cuối thế kỷ 15 rồi làm nghề trồng dâu, ươm tơ. Đến đời thứ 4, tức thời điểm sinh thời của Đoàn Quý Phi, nghề này phát triển rất hưng thịnh. Cả làng tôi thời kỳ đó đâu đâu cũng trồng dâu, nuôi tằm, phát triển nghề dệt lụa. Khi trở thành vương phi của chúa Nguyễn, Đoàn Quý Phi đã có công lao truyền bá nghề ươm tơ khắp vùng Quảng Nam, ra đến tận vùng Phú Xuân (Huế), bà được người dân tôn xưng là Bà Chúa tầm tang là vì thế”, ông Lượng kể.
|
Người làng Đông Yên ngày nay ai cũng có thể vanh vách kể về giai thoại mối tình của Đoàn Quý Phi với chúa thượng. Chuyện kể, một đêm trăng sáng, bà Đoàn Thị Ngọc (con gái út của Tham tướng Đoàn Công Nhạn) đi hái dâu cho tằm đã hát: Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu/Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình. Đúng lúc đó, thuyền của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên cùng thế tử là Nguyễn Phúc Lan (sau này là chúa thượng) ngang qua bãi dâu. Nghe lời hát mà lòng thổn thức, chúa thượng đã đem lòng yêu thương rồi sau đó rước bà về làm vợ. Bà Đoàn Thị Ngọc trở thành Hiếu chiêu hoàng hậu khi Nguyễn Phúc Lan đăng cơ. Khi còn ở đất Quảng Nam, nhờ sự truyền bá, khuyến khích của bà mà nhân dân ở phủ Thăng Hoa, Điện Bàn đã ra sức trồng dâu, nuôi tằm. Nghề dệt lụa cũng phát triển rực rỡ với các mặt hàng như: gấm, vóc, trườu, sa, đoạn, lãnh được bán khắp các vùng xứ Đàng Trong hoặc qua cảng Hội An, tơ lụa theo chân các thương gia ra nước ngoài. Nhiều tài liệu khác cũng dẫn, trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn đã viết: “Người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt được các loại the, đoạn, lụa, là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông” cho thấy, “Bà Chúa tầm tang” đã dụng công trong việc đưa tên tuổi tơ lụa Việt ra với các nước.
|
Ông Đoàn Giáp (56 tuổi) kể lại thời kỳ vàng son của tơ lụa Đông Yên, đi dọc bờ sông Thu Bồn đâu đâu cũng thấy cảnh nương dâu bát ngát. Trong làng đàn ông trồng dâu, đàn bà vừa dệt lụa vừa ê a câu hát dân gian:“Chiêm Sơn là, lụa mỹ miều/Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng”. “Tự hào về nghề trồng dâu, nuôi tằm trên quê hương của Đoàn Quý Phi nên trải qua bao biến cố, người làng vẫn cố bám lấy nghề mà sống. Đến những năm trước 1995 - 1997, nghề này thu hút khoảng 200 hộ dân tham gia. Bãi bồi ven sông Thu Bồn khi nào cũng xanh ngát dâu tằm với hàng trăm héc ta”, ông Giáp nhớ lại.
Buồn trông con tằm nhả tơ
Trước khi về làng ươm tơ, dệt lụa Đông Yên, người viết đã nghe nhiều người kể về sự tàn lụi của làng nghề này, nhưng đến nỗi phải bán khung quay tơ, phá sạch vườn dâu tằm thì người viết không thể hình dung ra. Cách đây không lâu, truyền nhân thứ hai là ông Đoàn Giáp đã bán sạch mọi “đồ nghề”, máy móc vì quá chán nản. Hỏi nhà nào còn nuôi tằm nhả tơ chắc chắn không ai trong làng chỉ được, nhưng tìm người theo nghề ươm tơ còn lại thì ai cũng biết, đó là truyền nhân cuối cùng Đoàn Lượng. Thế nhưng, ông Lượng cũng đã quá mệt mỏi vì làm ăn thua lỗ, sản xuất cầm chừng. “Đã không ít lần tôi nghĩ đến việc bỏ nghề vì thấy bạc bẽo, khó sống quá. Nhưng tôi là người họ Đoàn, là con cháu của Đoàn Quý Phi, tôi phải cố giữ nghề mà cha ông để lại. Giữ được đến đâu hay đến đó...”, ông Lượng trải lòng.
Ngày trước, làng Đông Yên có đủ các nghề: trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa với nhiều mặt hàng nổi tiếng đẹp và chất lượng. Những cái tên Võ Bính, Võ Bốn, Nguyễn Xin... một thời hễ cứ nhắc đến là người ta nhớ ngay đến những ruộng dâu tằm rộng mênh mông, trong nhà luôn có cả chục thợ xe tơ, dệt lụa. Còn bây giờ, ông Võ Thanh, Trưởng thôn Đông Yên, ngậm ngùi cho biết: “Tơ tằm đã khó đầu ra đã thế lại còn rớt giá thê thảm. Cứ bám lấy nghề này thì lấy gì mà sống”.
Cơ sở ươm tơ của ông Lượng hiện đang hoạt động với 8 nhân công nhưng mỗi tháng chỉ “làm chơi” 7-8 ngày rồi nghỉ phần vì không đủ nguyên liệu, phần vì tơ lụa thành phẩm khó xuất ra thị trường. “Cả làng đã bỏ nghề, con cháu cũng không ai theo. Tôi rồi cũng già và chết đi, 400 năm làng tơ lụa Đông Yên rồi chắc chỉ còn cái tên. Muốn giữ nghề mà mình tôi không đủ sức...”, ông Lượng xót xa.
Hoàng Sơn
>> Đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho thanh niên
Bình luận (0)