|
Đối phó “thù trong giặc ngoài”
TS Nguyễn Duy Chính trong quyển Giở lại một nghi án lịch sử giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016) đã dựa trên nhiều nguồn tư liệu xác thực đương thời của cả hai bên, đặc biệt là văn thư trao đổi của các đại thần hai triều, những chỉ dụ của Càn Long, biểu tấu của Quang Trung để bác bỏ quan điểm “giả vương nhập cận”. Ông cho rằng chính vua Quang Trung, tức Nguyễn Quang Bình theo danh xưng của nhà Thanh, đã được vua Càn Long mời sang Bắc Kinh dự lễ bát tuần khánh thọ của vua Thanh. Nguyễn Duy Chính cho rằng cựu thần nhà Lê và các sử gia triều Nguyễn bịa đặt sự kiện “giả vương nhập cận” nhằm hạ thấp uy danh của Quang Trung cũng như triều đình Tây Sơn trong bang giao với triều Thanh.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho rằng vua Quang Trung không thể qua nước Thanh để tiếp kiến Càn Long năm Canh Tuất (1790) vì phải ở kinh đô Phú Xuân để lo đối phó “thù trong giặc ngoài” cả hai phía bắc - nam. Trong đó, phía bắc “thù trong” là cựu thần nhà Lê, “giặc ngoài” là vua quan nhà Thanh còn “hậm hực” trận đại bại mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Việc này cũng phù hợp với mô tả trong các ghi chép của các nhà truyền giáo phương Tây có mặt ở VN giai đoạn đó.
Đặng Phương Nghi trong bài Triều đại Tây Sơn dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương, đăng ở Tập san Sử Địa, số 13, 1.3.1969, có dịch giới thiệu thư của ông Le Roy gửi ông Letondal, trong đó có đoạn: “Theo như ông nói, thì chúng tôi không hay biết gì về cựu vương Nam Hà ở Đồng Nai. Tiếm vương (chỉ Nguyễn Huệ) đã toàn thắng chúng tôi và để một người con khoảng 10, 11 tuổi cai trị chúng tôi. Bắc Hà đã thái bình nhưng người ta sợ sự yên ổn này không kéo dài. Quân Trung Hoa bị bại trận năm ngoái có thể sẽ trở lại tấn công nay mai. Các giáo sĩ của ta ở Nam Hà nói rằng họ đã mất mùa này và nạn đói kém đang phá hoại xứ họ. Có người đề nghị với tiếm vương Quang Trung nên ngược đãi giáo đồ Gia Tô nhưng khi đình nghị, các quan đại thần tâu với ông rằng dân Công giáo rất đông, có nhiều trong các binh đội, nộp thuế đầy đủ và không hại ai cả” (tr.169).
Dẫn liệu này chứng tỏ năm 1790, xứ sở vua Quang Trung đang mất mùa, lại xảy ra vấn đề Công giáo ở Gia Định, Đồng Nai đang ủng hộ tích cực Nguyễn vương Phúc Ánh khiến một số triều thần tấu vua cấm đạo nên vua Quang Trung đã đình nghị ở triều đình Phú Xuân. Đây là bằng chứng vua Quang Trung thật đang ở kinh đô Phú Xuân vào tháng 5 Canh Tuất (1790).
Tập san Sử Địa, số 21, 1.3.1971, tác giả Phù Lang Trương Bá Phát trong bài Cuộc khởi dậy và chiến tranh của Tây Sơn có trích dẫn ghi chép của cha Ginestar viết rằng: “Tây Sơn không ngờ nhà vua (tức chỉ Nguyễn Ánh) tới Bình Định hồi bấy giờ... Nhà vua về Đồng Nai lấy tư cách người chiến thắng, với thâu thập được tin mừng rằng hai anh em Tây Sơn đánh nhau vào 1790 đến 1792, mối bất hòa ấy tồn tại luôn luôn giữa hai anh em...” (tr.90). Dẫn liệu này cho thấy giữa Phú Xuân và Quy Nhơn lục đục dai dẳng, vua Quang Trung phải “hổ phục” ở Phú Xuân trong những năm cuối đời (trong đó có năm 1790) để lo đối phó những thế lực phía nam.
Những lần đóng giả
Theo đó, tháng 3 năm Kỷ Dậu (1789), sau khi đại thắng quân Thanh, Ngô Thì Nhậm tổ chức một sứ bộ làm nhiệm vụ sang Yên Kinh trao trả 800 tù binh và cầu phong. Hoàng đế Càn Long chấp nhận, nhưng lại mời đích thân vua Quang Trung sang triều kiến nhân lễ mừng thọ bát tuần của mình. Đến tháng 7, vua Càn Long ra chỉ dụ và tháng 11 cử sứ bộ mang chiếu sang Thăng Long phong cho Nguyễn Huệ vị hiệu là An Nam quốc vương. Lúc này, Ngô Thì Nhậm đã tùy nghi chọn người giả làm vua Quang Trung để tiếp chiếu.
Đến đầu năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung sai Ngô Thì Nhậm tổ chức sứ đoàn sang Trung Quốc mừng thọ vua Càn Long gồm hơn 150 nhân vật, ngoài giả vương còn có Nguyễn Quang Thùy, Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Duật... Giả vương lần này, sách Hoàng Lê nhất thống chí (hồi 15) cho rằng đó là Nguyễn Quang Trực, một võ tướng người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường (tức Nam Đàn), trấn Nghệ An. Trong khi đó, sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập quyển 30 của Quốc sử quán triều Nguyễn lại cho biết nhân vật đóng giả vua là cháu bên vợ của vua Quang Trung, tức Phạm Công Trị.
Theo thông tin từ Vân Dương kinh phổ, người tiếp kiến Cao Tông hoàng đế nhà Thanh (tức vua Càn Long) là Nguyễn Cửu Trị.
Bình luận (0)