Nghi án hàng hiệu chứa chất độc

25/08/2011 00:47 GMT+7

Báo cáo của Tổ chức môi trường Greenpeace một lần nữa khiến dư luận đặt dấu hỏi về các tiêu chuẩn an toàn của những hãng thời trang nổi tiếng.

Trong thông cáo báo chí của Greenpeace, chất nonylphenol ethoxylates (NPE) đã được tìm thấy trong quần áo gia công tại một số nước châu Á của 14 tên tuổi lớn ngành thời trang như Abercrombie & Fitch, Adidas, CK, Converse, Lacoste, Ralph Lauren… NPE, dẫn xuất của nonylphenol (NP), là chất tẩy có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng sự tăng trưởng của cơ thể và khả năng sinh sản. Tuy ít gây hại hơn NP, nhưng khi bị thải ra môi trường, sau một thời gian, NPE sẽ chuyển hóa lại thành NP với độc tính cao hơn nhiều lần.

Theo tờ Le Figaro, hiện tượng tích tụ sinh học càng khiến những nguy cơ từ chất NP thêm đáng ngại. Khi NP bị thải ra nguồn nước sẽ bị tảo hấp thụ, sau đó, tảo lại bị cá ăn và NP sẽ được tích trữ trong mỡ của chúng. Chuỗi thức ăn cứ thế sẽ tiếp tục cho đến con người. Một số nghiên cứu gần đây ở những vùng ô nhiễm nặng đã phát hiện sữa mẹ có “vết tích” của chất độc này.

 
Thành viên Greenpeace ở Philippines treo khẩu hiệu kêu gọi các hãng thời trang “tẩy độc” quần áo ngày 23.8 - Ảnh: Reuters 

NP đã bị EU cấm sử dụng trong ngành công nghiệp may mặc từ năm 2003. Hiện nay, các sản phẩm khác lưu hành trên thị trường châu u có chứa chất này đều phải ghi rõ “nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản”, “có thể gây ảnh hưởng đến thai phụ” và “rất độc với thủy sinh vật, có thể gây ảnh hưởng lâu dài cho môi trường”.

Báo cáo mới của Greenpeace nằm trong chiến dịch DETOX nhằm giảm thiểu các chất độc công nghiệp được phát động vào tháng 7. Ngày 13.7, tổ chức này công bố nghiên cứu trong một năm về thành phần nước thải từ các xưởng gia công tại Trung Quốc của những hãng thời trang danh tiếng như Nike, Adidas, Li Ning, Puma, Lacoste, Converse, CK, Cortefiel… Kết quả cho thấy các mẫu thử có chứa nhiều thành phần hóa học độc hại như nonylphenol, perfluorocarbon…

Đến nay, phần lớn những “đại gia” thời trang nói trên và các cơ quan hữu trách chưa có phản ứng gì về các cáo buộc từ Greenpeace. Tuy nhiên, không phải tất cả đều im lặng. Hãng Puma (ngày 15.7), rồi đến Nike (ngày 18.8) đã đăng thông cáo trên website chính thức cam kết từ đây đến năm 2020 sẽ loại bỏ hoàn toàn những hóa chất độc hại ra khỏi quy trình sản xuất. Ngoài ra, Nike còn cho biết trong vòng 2 tháng tới sẽ công bố một bản kế hoạch cụ thể về việc thực hiện cam kết.

Gánh nặng môi trường

Đây không phải lần đầu tiên các hãng thời trang u - Mỹ bị cho là không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và y tế. Theo phóng sự của Đài truyền hình Pháp - Đức Arte, những năm gần đây, Bangladesh đã trở thành nước xuất khẩu da hàng đầu thế giới. Các hãng thời trang lớn chọn nước này để gia công sản phẩm da vì nguồn nguyên liệu dồi dào và nhân công rẻ. Nhưng hơn hết, chi phí sản xuất tại Bangladesh được giảm nhiều vì không phải đầu tư cho hệ thống lọc chất thải như tại châu u. Các quy định về môi trường cũng như điều kiện lao động cũng ít ngặt nghèo hơn, nên nhà sản xuất có thể sử dụng các loại hóa chất do các nước EU sản xuất nhưng bị cấm sử dụng tại khu vực này.

Trong số đó, Đài Arte kể ra những chất dùng để thuộc da có thể gây nguy hiểm cho con người và môi trường như chrome VI, ethylene oxide, các kim loại nặng... Không hiểu hết về các mối họa này, công nhân Bangladesh thường xuyên làm việc trong điều kiện không có quần áo bảo hộ, không có mặt nạ và tay chân trần. Nước thải thì được dẫn thẳng ra sông ngòi, đường phố, gây ô nhiễm nặng nề.

Ngoài da thuộc, quy trình sản xuất ngành công nghiệp may mặc nói chung luôn đòi hỏi sử dụng nhiều hóa chất và việc quần áo của 14 hãng lớn nhiễm NPE là một ví dụ điển hình. Tuy EU cấm nhiều chất độc hại nhưng không có nghĩa là đã an toàn vì những sản phẩm từ da hay quần áo nhiễm NPE gia công ở nước khác sẽ được nhập trở lại châu u. Arte dẫn lời một bác sĩ về lao động ở cảng Hamburg (Đức) cho biết 50% số container đến từ châu Á có nhiễm hóa chất “cần theo dõi” và lãnh hậu quả đầu tiên chính là những nhân viên khui kiện và chuyển hàng hóa tại cảng... Tại một kho chứa hàng của hãng H&M ở cảng Hamburg, 70% nhân viên cho biết có vấn đề về sức khỏe liên quan đến chất độc trong các sản phẩm mà họ phải tiếp xúc hằng ngày.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.