Nghị trường quốc hội “nóng bỏng” với dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh

24/10/2022 16:48 GMT+7

Sáng 24.10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV thảo luận về luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Những ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội ) và đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đã khiến nghị trường Quốc hội vô cùng sôi nổi.

'Cần cấm lợi dụng khám chữa bệnh để quấy rối tình dục’

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng, luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cần bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là lợi dụng hành vi khám chữa bệnh để quấy rối tình dục người bệnh, thân nhân người bệnh.

Về việc thu hồi giấy phép hoạt động, dự luật quy định tương đối chi tiết, song đại biểu Yến Nhi cho rằng, nên bổ sung bị thu hồi giấy phép hoạt động trong trường hợp lần thứ hai bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, do để xảy ra sai sót chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

“Việc bổ sung này sẽ đảm bảo xử lý nghiêm, hạn chế lặp lại những sai sót y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tạo niềm tin với người bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh”, đại biểu Yến Nhi nói.

Đặc biệt, liên quan đến trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu đoàn Bến Tre cho rằng cần bổ sung nội dung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật khi “tiên lượng sai khả năng điều trị của cơ sở, dẫn đến nguy hiểm tính mạng người bệnh”.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi: "Cần cấm lợi dụng khám chữa bệnh để quấy rối tình dục"

'Bệnh viện công lớn xin thôi tự chủ là thất bại trong cơ chế quản lý'

Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, rất nhiều người có chung nhận định rằng việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập.

Theo ông Cường, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư y tế đúng chủng loại, các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn để thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, mà không bị giới hạn bởi các ràng buộc, khống chế về chi phí và danh mục các loại thuốc và thiết bị vật tư thay thế.

Ngược lại nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng trả phí cao hơn để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công. Song không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi điều trị ở nước ngoài hoặc sang khám và điều trị tại các bệnh viện tư.

“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình”, ông Cường nhận định.

Từ đó, đại biểu của Hà Nội đề nghị quy định trong dự thảo luật về tự chủ bệnh viện công.

“Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách”, ông Cường nói.

Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định các quyền kèm theo.

Bên cạnh đó, ông Cường đề nghị cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí, trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh.

Ông đề nghị, định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh của cùng một bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: "Bệnh viện công lớn xin thôi tự chủ là thất bại trong cơ chế quản lý"

'Chỉ loay hoay làm sao để mức thanh toán BHYT thấp nhất'

Tham gia ý kiến về luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, dù dự thảo đã tiếp thu nhiều vấn đề, song bà vẫn thấy băn khoăn khi những giải pháp đưa ra chưa giải quyết được vấn đề tự chủ bệnh viện và xã hội hóa.

"Chúng tôi chỉ thấy tự chủ được hiểu một cách đơn giản và thấy trên thực tế là ở mức nhà nước ngưng chi trả lương, còn cơ chế tổ chức nhân sự, tài chính và mua sắm thì các bệnh viện đều không tự quyết được", bà Lan nêu.

Đại biểu đoàn TP.HCM phân tích, mục tiêu của tự chủ là làm sao để phát huy được năng lực của cán bộ y tế, nhân viên y tế trong mỗi cơ sở khám chữa bệnh để tăng cường chất lượng. Đó mới là mục tiêu chính.

"Tuy nhiên, thực tế chúng ta đang sa đà, loay hoay làm thế nào để mức thanh toán BHYT thấp nhất. Điều này dẫn đến luẩn quẩn là cứ phải làm sao để giá thấp nhất, từ giá thuốc tới vật tư y tế, trang thiết bị... Và khi thấp nhất thì chất lượng không thể nào cao", bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng, thời gian qua chúng ta thấy những bệnh viện lớn, đầu ngành, số lượng cán bộ, cơ sở khám chữa bệnh khang trang, đồ sộ nhưng phải rút khỏi tự chủ vì "thực chất chưa có tự chủ".

Bà Lan nhấn mạnh, hàng chục năm qua chúng ta tiến hành tự chủ bệnh viện, xã hội hóa song tới nay chưa có bất cứ hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức về mô hình này nên không thể đưa ra giải pháp tổng thể.

"Thực sự chúng ta chỉ chạy theo sự cố, nay bị thế này, mai bị thế kia và hậu quả hiện nay là bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân viên y tế thì sợ hãi, không dám làm, không dám chủ động sáng tạo gì cả, và xin nghỉ nhiều, rồi nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ...", bà Lan nêu.

Từ đó, đại biểu Lan đề nghị cần có tổng kết, đánh giá quá trình tự chủ bệnh viện, vấn đề đấu thầu, giá thuốc rẻ trong bệnh viện bao nhiêu năm qua, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế... để đưa ra giải pháp giải quyết.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: "Chúng ta chỉ loay hoay làm sao để mức thanh toán BHYT thấp nhất"

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.để tiếp tục hoàn thiện báo cáo Ủy ban thường vụ quốc hội và trình Quốc hội thông qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.