Nghĩ từ đề thi môn ngữ văn

04/07/2016 09:33 GMT+7

Kỳ thi nào cũng vậy, môn ngữ văn luôn được dư luận quan tâm.

Nhưng cái cách mọi người bình luận, phân tích rốt cuộc cũng không làm biến đổi sâu sắc cách dạy, học môn này ở trường phổ thông để từ đó giúp thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của một người trưởng thành.
Mấy hôm nay nhiều người thắc mắc sao không có sự kiện thời sự nào trong đề thi văn? Tranh luận xung quanh về những con chữ khác nhau giữa các văn bản của một bài thơ. Thậm chí có những ý kiến phân tích lệch lạc, chủ quan, khiên cưỡng về từ ngữ của bài thơ... Tất cả những điều này chỉ làm cho kỳ thi đang vào hồi buồn tẻ, bình lặng thêm phần sôi động chứ không có giá trị gì. Có hay không sự kiện thời sự vào đề thi không phải là vấn đề. Dùng bản này hay bản khác của một bài thơ được trích nguồn rõ ràng cũng không phải là điều quan trọng.
Có lẽ mục đích cuối cùng của việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông là làm sao để học sinh sử dụng tiếng mẹ đẻ thành thạo và có năng lực cảm thụ văn học. Làm thế nào để một người tốt nghiệp THPT có thể diễn đạt tiếng Việt rõ ràng, trong sáng để mọi người hiểu mình viết gì. Làm sao để không hiểu sai khi đọc một văn bản nào đó. Và có thể cảm nhận một tác phẩm văn học (nghệ thuật) bất kỳ mình đọc trong đời theo cách riêng của mình.
Nhưng rõ ràng việc dạy học và đánh giá môn văn trong nhà trường còn một khoảng cách rất xa so với thực tế cuộc sống. Không ít lời than thở cả cử nhân, kỹ sư ra trường mà vẫn không viết được một văn bản tiếng Việt hoàn chỉnh. Vẫn còn nhiều tranh cãi nảy lửa mà nguyên nhân đôi khi chỉ do đọc nhưng hiểu không đúng một văn bản. Nêu lên những suy nghĩ, cảm thụ, cảm nhận cá nhân trước một tác phẩm, vấn đề văn học (nghệ thuật) nào đó lại còn xa vời hơn nữa.
Vậy tại sao không thay đổi? Bắt đầu từ đề thi và cách đánh giá.
Tại sao cứ phải hết Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Chiếc thuyền ngoài xa đến Chữ người tử tù, Chí Phèo... lần lượt xuất hiện trong đề thi hết năm này qua năm khác? Đành rằng có ý kiến cho rằng tác phẩm tuy không mới nhưng cách hỏi mới nhưng thử hỏi cứ phải nói đi nói lại về những điều đã quá quen thuộc, khai thác quá nhiều đến mức nhàm chán thì còn gì là lý thú. Ra đề kiểu này, cách nào thí sinh cũng đi vào những phân tích sáo mòn, vô cảm, thậm chí không bao giờ là cảm nhận thật sự của riêng mình bởi nếu một thí sinh có quan điểm ngược với những vấn đề mà đề bài nêu ra nhưng có lý luận thuyết phục thì có được điểm cao không?
Tại sao trong phần đọc hiểu, nhiều năm nay Bộ GD-ĐT đã mạnh dạn đưa vào những văn bản ngoài sách giáo khoa (đoạn thơ trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ trong đề thi năm nay là một ví dụ) mà phần nghị luận văn học không thay đổi theo hướng này? Các tác phẩm học trong nhà trường hay bên ngoài chỉ là chất liệu. Điều quan trọng là cách học sinh dùng những kỹ năng đã được dạy để diễn đạt, thể hiện quan điểm của mình sao cho thuyết phục nhất.
Hãy cho học sinh được nêu lên chính kiến, cảm nhận của riêng mình trước một vấn đề bằng những lập luận vững chắc, thuyết phục. Đó là cách mà các nền giáo dục tiên tiến đã làm và cũng chính đòi hỏi từ cuộc sống. Đó cũng là cách giúp học sinh nhận ra sự hữu ích của môn ngữ văn chứ không phải là môn học đối phó, nặng tính rao giảng như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.