Nghi vấn lai lịch nghi phạm mang súng đến sự kiện của ông Trump

Khánh An
Khánh An
14/10/2024 09:29 GMT+7

Cảnh sát cho biết nghi phạm mang súng tìm cách đến sự kiện của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thuộc một phong trào cực hữu có chủ trương chống đối chính quyền.

Nghi vấn lai lịch nghi phạm mang súng đến sự kiện của ông Trump- Ảnh 1.

Nghi phạm Vem Miller

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH DAILY MAIL

Tờ USA Today ngày 14.10 đưa tin nghi phạm bị bắt khi tìm cách mang súng đến cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là người liên quan phong trào cực hữu mang tên Công dân có chủ quyền (SovCit).

Nghi phạm Vem Miller (49 tuổi) bị bắt hôm 12.10 khi trên đường đến cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Coachella, khu vực nổi tiếng về lễ hội âm nhạc thường niên tại hạt Riverside (California).

Cảnh sát trưởng Riverside Chad Bianco cho hay nghi phạm bị bắt sau khi cảnh sát chặn xe kiểm tra và phát hiện biển số bất thường. Biển số xe là "một biển số tự chế và chỉ ra một nhóm cá nhân tự nhận là công dân có chủ quyền", ông cho biết.

Ông Bianco cho biết nghi phạm có nhiều hộ chiếu và căn cước công dân với nhiều tên khác nhau trong chiếc xe chưa được đăng ký. Trong xe có 2 khẩu súng và băng đạn có sức chứa lớn.

Bầu cử Mỹ: Ông Biden ra lệnh bảo vệ ông Trump như 'tổng thống đương nhiệm'

Chủ trương chống đối

Vụ việc gợi lên nhiều sự chú ý về phong trào SovCit (Sovereign Citizens). Phong trào này là một tập hợp không đồng nhất của hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người cực đoan chống chính phủ tin rằng họ không phải tuân theo luật pháp, thẩm quyền địa phương hoặc quốc gia.

Nhiều thành viên phong trào này cho rằng họ không phải trả thuế, và đã có một số trường hợp thậm chí còn ra tòa tranh cãi nhưng không thành công.

So với các nhóm hoặc tổ chức cực hữu như Oath Keepers hay Proud Boys, SovCit mang tính phong trào hơn, theo chuyên gia Mark Pitcavage tại trung tâm về chủ nghĩa cực đoan thuộc tổ chức Liên đoàn chống phỉ báng (ADL - Mỹ).

"Họ rất phản đối chế độ cầm quyền. Họ không thích bất kỳ ai bảo họ làm bất cứ điều gì mà họ không muốn làm, họ không thích bất kỳ loại quyền lực nào", ông cho biết.

Cơ quan Mật vụ Mỹ đánh giá rằng vụ việc trên không ảnh hưởng đến các hoạt động bảo vệ và cựu Tổng thống Trump không gặp bất kỳ nguy hiểm nào.

Hành vi bạo lực

Tuy nhiên, các thành viên của phong trào SovCit đã tham gia vào nhiều hành vi bạo lực. Vào năm 2010, hai người tự xưng thuộc phong trào này đã bắn chết 2 cảnh sát trong một vụ dừng xe ở Arkansas, trước khi họ bị bắn hạ.

Phong trào này phổ biến vào cuối thập niên 1970 và được phát triển bởi một số kẻ cầm đầu, trong đó có nhiều người ủng hộ các lý thuyết pháp lý và triết học khác nhau liên quan tinh thần chống chính phủ nói chung.

Mặc dù không liên kết với bất kỳ đảng cụ thể nào do tránh xa chính trị, phong trào SovCit vẫn mở rộng và thu hút thêm nhiều thành viên mới trong thời kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo báo cáo của ADL, SovCit đã phát triển trong những năm gần đây "bằng cách thu hút những đối tượng mới, bao gồm những người phản đối vắc xin" và những nhóm khác.

"Phong trào này cũng lan rộng khắp các nhà tù trên khắp đất nước. SovCit cũng đã tăng cường sự hiện diện, lan rộng đến một số quốc gia trên thế giới", theo ADL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.