Phía bảo tàng Lourve (Pháp) cho biết họ không thể để bức tranh đắt giá nhất thế giới xuất hiện trong sự kiện triển lãm lớn tưởng nhớ danh họa Leonardo da Vinci diễn ra vào mùa thu năm 2019 tại thủ đô Paris. Một trong những nguyên nhân chính được cho là vì nội bộ các chuyên gia trong bảo tàng đang đặt nhiều nghi vấn liên quan đến kiệt tác trên và họ không chắc rằng Salvator Mundi được tạo ra từ bàn tay tài hoa của họa sĩ huyền thoại người Ý.
Salvator Mundi từng thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu toàn cầu khi có giá lên đến 450,3 triệu USD (hơn 10.400 tỉ đồng) vào năm 2017. Hiện Cơ quan Văn hóa và Du lịch Abu Dhabi (Ả Rập Xê Út) đang lưu giữ bức tranh. Tác phẩm này được Bảo tàng Louvre ở Paris mượn để trưng bày nhân chương trình kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci. Tuy nhiên, việc triển lãm tác phẩm này ở Abu Dhabi đã bất ngờ bị dừng lại vào năm 2018 và việc cho Paris mượn như dự kiến cũng khó mà xảy ra.
|
The Guardian đưa tin, đây không phải là lần đầu tiên bức tranh gây tranh cãi về vấn đề ai mới là tác giả của nó. Từ khi xuất hiện cho đến nay, các chuyên gia nghệ thuật vẫn chưa đồng tình với nhau về nguồn gốc của bức tranh đắt giá này. Nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Leonardo da Vinci, trong đó có Martin Kemp - giáo sư danh dự về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Oxford, khẳng định đây thực sự là tác phẩm đã mất của danh họa người Ý. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người do dự, đắn đo về việc thừa nhận ý kiến trên. Các nhà nghiên cứu hội họa từng cho rằng Leonardo da Vinci không vẽ bức tranh này, trợ lý của ông tên là Bernardino Luini mới là cha đẻ của Salvator Mundi. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi thứ vẫn còn là bí ẩn.
Kiệt tác này sau đó đã được triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia London (Anh) từ tháng 11.2011 đến tháng 2.2012. Năm 2013, bức tranh được bán cho nhà sưu tập Nga Dmitry Rybolovlev với giá 127,5 triệu USD (hơn 2.900 tỉ đồng) thông qua nhà bán tranh Thụy Sĩ Yves Bouvier. Đến tháng 11.2017, Salvator Mundi được bán đấu giá tại New York (Mỹ) với mức 450,3 triệu USD và trở thành bức tranh đắt nhất thế giới.
Bình luận (0)