Nghĩa tình mùa dịch: 'Người vận chuyển' ở khu cách ly

An Dy
An Dy
12/08/2020 09:00 GMT+7

Nếu không có những “người vận chuyển” tự nguyện này, hàng ngàn thùng hàng, quà của người thân, các nhà hảo tâm... chẳng thể nào kịp thời đến tận tay các y bác sĩ, bệnh nhân của 3 bệnh viện bị cách ly vì dịch Covid-19 .

Càng trân trọng hơn, khi họ vốn là những người dân lao động các tổ 34, 35, 36 thuộc P.Thạch Thang (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), cũng trong tình trạng cách ly do ở sát khu vực 3 bệnh viện (BV) lớn bị phong tỏa (BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Chỉnh hình - phục hồi chức năng). Thay vì khóa cửa ở trong nhà, họ tình nguyện xắn tay áo, vận chuyển từng thùng hàng được gửi đến hàng ngàn y bác sĩ, bệnh nhân trong khu vực rào chắn tầm 500 m.

Tháo cửa nhà làm xe kéo

Là thành viên của đội vận chuyển, ông Lưu Văn Đãi (144 Hải Phòng, Đà Nẵng) kể: “Khi bắt đầu phong tỏa, người nhà y bác sĩ, bệnh nhân xếp hàng dài bên ngoài rào chắn tìm cách gửi hàng hóa, nhu yếu phẩm vào trong. Dần dà, anh em lập thành đội, phân việc cho nhau, chuẩn bị sẵn cả băng keo, kéo, bút, thùng giấy... yêu cầu ghi rõ nội dung người nhận, khoa phòng và điện thoại liên lạc”. Theo ông Đãi, khi có hàng hóa, hễ cứ liên hệ được người nhận là mang hàng đi giao; từ cái va li đến cả tô bún, tô mì..., bất kể thời gian.
Vận chuyển bằng xe máy không đủ và không xuể với hàng hóa cồng kềnh, ông Trần Danh và anh em trong đội chế những chiếc xe tự kéo, tháo cả khung cửa nhà ra hàn thành xe để chuyển hàng... Ông Danh chia sẻ: “Làm tự phát rứa chớ bài bản lắm. Có những ngày cao điểm hàng hóa rất nhiều, anh em chuyển hàng đến tận khuya, xuyên đêm. Có mấy bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay để anh em vận chuyển, tiếp xúc với các y, bác sĩ được an toàn”.

Bản tin Covid-19 ngày 11.8: Việt Nam thêm 16 ca bệnh, Nga công bố có vắc xin đầu tiên trên thế giới

“Không có tiền thì giúp sức”

Đa phần dân cư khu phong tỏa là người dân lao động, nhiều người hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi các y bác sĩ biếu gì cũng cương quyết không nhận. “Nhà hảo tâm, các tổ chức hội, đoàn thể họ vận động cả nước để tiếp sức tuyến đầu, mình không có tiền để mua hàng thì góp sức, góp công”, anh Hoàng Thanh Việt, thành viên đội vận chuyển, tâm sự.
Trong đội, ai cũng biết ông Trần Danh có hoàn cảnh khó khăn, sống cùng vợ con trong căn phòng trọ chừng 20 m2, gần BV Đà Nẵng. Bà Khổng Thị Hương, vợ ông Danh, kể: “Gần nửa tháng qua, ổng ở suốt chỗ trạm gác, canh ai gửi hàng là lật đật mang đi vì sợ thất lạc. Ăn uống mỗi bữa thì tôi gửi gì ăn nấy. Ổng không có lấy của ai 1 đồng để mua điếu thuốc”.
“Vì công cuộc chống dịch, chúng tôi làm vì tự nguyện, không cần thù lao. Anh em lao động với nhau góp tiền để tự đổ xăng chạy tới lui suốt nửa tháng trời, cũng gọi là chung sức dập dịch. Nhà cách vài trăm mét nhưng nhiều người đến tận khuya mới về tới nhà, đuối quá cũng lơ cơm luôn. Vậy mà hôm sau sốt ruột dậy sớm, thấy có hàng là lại vận chuyển tiếp”, ông Trần Ngọc Thắng, cán bộ hưu trí, cũng là thành viên “điều hành” đội vận chuyển, chia sẻ.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 12.8: Thêm 3 ca mắc mới tại Hải Phòng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.