Hai người đàn bà ở ngõ Rizal
Chiếc xe chở đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines dừng lại trước cửa nhà hàng Rene’s Saigon không theo kế hoạch định trước. Nghe tin đại sứ xuống Palawan, dì Hai bảo người con trai của mình, anh Rene, đi tìm ông và mời cho bằng được một bữa cơm Việt Nam đích thực.
|
Dì Hai sinh anh Rene và một người con nữa tại Đà Nẵng hồi trước năm 1975. Nhưng quê dì thì ở Bến Tre. Chồng dì là người Philippines sang làm việc tại Sài Gòn ngày trước. Năm 1975, dì cùng hai con theo chồng về Manila. Đầu thập niên 1980, chồng mất, cuộc mưu sinh ở đất thủ đô chật vật, dì đem hai con xuống Palawan lập nghiệp và định cư luôn ở đó tới giờ. Dì làm ăn khá, có một người con đi học và đang định cư bên Úc.
Quán của dì nổi tiếng lắm. Khách du lịch đến Palawan luôn được khuyên nên đến đây để thưởng thức ẩm thực Việt Nam, và nghe lại lịch sử của món “cháo lòng” và khúc bánh mì của người Palawan, vốn do những người Việt đã từng có mặt ở đây truyền lại. Du khách từng ăn “cháo lòng” ở Palawan ắt sẽ “bật ngửa” khi gọi món này ở Việt Nam! Căn nguyên là bởi có một dạo, món cháo lòng đích thực của người Việt nổi tiếng đến mức người dân Palawan dùng làm tên cho… món phở (cũng bắt chước của người Việt)! Đi dọc đầu trên xóm dưới ở thủ phủ Puerto Princesa, tôi thấy chỗ nào cũng có quán “chaolong” của người bản địa.
Cạnh quán của dì Hai có căn nhà trệt cũ kỹ. Trên nóc có đến 3 tấm bảng hiệu mang chữ Cholon Store và Chaolong Hous khiến tôi tò mò hết sức. Vào nhà hàng và chào hỏi người phụ nữ 73 tuổi trong bộ đồ màu nâu phúc hậu xong, tôi cầm điện thoại lẻn ra ngoài và chạy sang quán “Chaolong”. Quán này chắc đã đóng cửa, chẳng thấy khách khứa, đồ đạc gì bên trong. Lén nhìn vào đằng sau những song sắt mặt tiền của Cholon Store, tôi thấy một người phụ nữ nhỏ bé, khắc khổ. Đó là dì Ba.
Dì Ba, 72 tuổi, không có bà con chi với dì Hai hết. Nhưng họ xem nhau như chị em. Dì Ba quê ở Bình Dương, cũng có chồng là người Philippines, và có 4 người con. Chồng về nước năm 1975, dì một mình nuôi 4 đứa con ở Việt Nam, mãi đến năm 1978 mới đem các con sang Manila đoàn tụ. Rồi chồng mất, dì Ba cũng đem con xuống Palawan tìm kế mưu sinh, và ở cạnh dì Hai.
Cửa hàng của dì Ba nghe tên có vẻ “sang”, nhưng cũng chỉ có vài chục chai nước ngọt, dăm hộp thuốc lá, vỉ trứng vịt, ít kẹo bánh và mấy vật dụng linh tinh. Dì Ba nghèo, xóm làng cũng nghèo lắm. Các con dì nay một người đã mất, 2 người ở thủ đô Manila, anh con út làm bánh mì cho dì Hai.
Dì chân chất, cởi mở, kể chuyện với tôi như thể quen biết đã lâu, nhưng luôn né khi tôi đưa điện thoại lên cao: “Dì già cả, xấu xí. Con chụp ảnh dì làm chi!”. Bên dưới những nếp nhăn khắc khổ, đôi mắt dì đượm buồn. Hơn 30 năm qua, ước mơ về thăm quê một lần của dì cứ bị cái khó, cái nghèo bó chặt, không thực hiện được. Biết chuyện, sứ quán nhắc nhau sẽ hỗ trợ để dì sớm được toại nguyện.
Lá rách đùm lá nát
Nghe tôi kể chuyện 12 ngư dân gặp nạn trên biển được ngư dân Philippines đưa vào Palawan, ánh mắt dì Ba buồn diệu vợi. Biết chuyện 122 ngư dân bị bắt và đang bị giam ở nhà tù tỉnh, không xa chỗ dì là mấy, dì cũng gom góp chút xíu quà gọi là sẻ chia.
Hôm qua 19.8, 12 ngư dân tàu QNg 90510 TS gặp nạn đã được đưa lên Manila và trở về nước. Đại sứ Nguyễn Vũ Tú đã có mặt ở sân bay đến gần 10 giờ đêm để tiễn các ngư dân lên chuyến bay 5J - 751 của hãng Cebu Pacific về TP.HCM. Trong phòng chờ ở sân bay Manila, tôi hỏi họ những chiếc quần jeans mà họ đang mặc ở đâu mà có, bởi khi được vớt lên, trên người họ chỉ có những chiếc quần cụt tơi tả. Họ bảo được người Việt và người dân địa phương cho.
Không chỉ có quần áo, người ta còn cho nhiều thứ khác như gạo, mì gói, xà phòng cục, kem đánh răng, dép Lào… “Không biết là ai hết. Bởi họ gửi cho những người ở chỗ hải quân cầm vào, và không để tên”, anh Bùi Tấn Lực, người nhiều tuổi nhất trong nhóm kể. “Làm sao người ta biết mà gửi vào?”, tôi hỏi. Anh Nguyễn Đại, người có biết chút tiếng Tagalog địa phương nói: “Mấy người bên hải quân bảo tụi em viết giấy ngỏ lời xin bà con. Rồi họ cầm ra, đi ngang qua chỗ người Việt và mấy quán “chaolong” thì trao lại. Ai có gì gửi cho thì họ mang vào, trao cho anh em”.
Tiêu Viết Kiều, cậu thanh niên trẻ nhất trong nhóm không ngại ngùng kể rằng cậu thích nhất là hai chai nước tương mà người Việt gửi vào. Không quen khẩu vị ở xứ bạn, “nhờ hai chai nước tương mà em ăn cơm được đó”, Kiều thành thật. Họ cũng kể, có một người Việt mà biết là rất thiếu thốn, nhưng đã chắt bóp cho anh em một ít tiền. “Tụi em hiểu, đó thật sự là lá rách đùm lá nát”, anh Đại nói.
Thục Minh
(từ Manila, Philippines)
Bình luận (0)