Nghĩa trang của cha xứ: Bài 2: Giáo dục ở… nghĩa trang!

19/06/2014 10:10 GMT+7

Trên đường vào Nghĩa trang Thai Nhi, Nhà thờ Hòa Hội cho cho dựng lên một phiến đá to khắc chữ “Một cõi đi về”. Chánh xứ Hòa Hội Vũ Xuân Quế (xã Hòa Hội, H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) giải thích, một buổi lấy nhạc Trịnh Công Sơn để nói chuyện với giáo dân. Khi ra đường về thấy tâm đắc tựa đề bài hát nên cho khắc.

Nghĩa trang của cha xứ: Bài 2: Giáo dục ở… nghĩa trang!

Toàn cảnh Nghĩa Trang Thai Nhi rộng khoảng 12.000m2, dự kiến chôn cất thai nhi thêm 40 năm - Ảnh Nguyễn Long

Mỗi tháng một chuyên đề

 

Cứu sống được 20 sinh linh

Theo Chánh xứ Hòa Hội Vũ Xuân Quế, khi nghe tin ở khu vực này có nghĩa trang thai nhi, một số phụ nữ có thai ngoài ý muốn đã gọi điện đến xin… “gửi gắm” cho giáo xứ trước giết chết giọt máu của mình. “Mỗi lần như thế, tôi đều khuyên họ giữ lại đứa con của mình, vì đứa bé không hề có tội tình gì. Nếu không có điều kiện thì đến đây, tôi sẽ tạo điều kiện giúp đỡ”, cha Quế cho biết. Có khoảng 20 trường hợp (đa số là học sinh) sau khi nghe cha Quế khuyên nhủ đã quyết định giữ lại đứa con của mình. Khi họ đồng ý, cha Quế gửi đến nhà một số tình nguyện viên nhờ chăm sóc để “vượt cạn”, hàng tháng hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người (có 16 trường hợp nhận trợ cấp). Chưa hết, có đến 6 trường hợp được cha Quế khuyên nhủ giữ lại bào thai và còn hàn gắn được hạnh phúc đôi lứa, chấp nhận kết hôn sau khi lỡ “ăn cơm trước khẻng”.

“Tại nghĩa trang này, hàng tháng tôi đều có một chuyên đề để nói chuyện trước giáo dân (cao điểm có trên 1.000 người tham dự), nội dung đều muốn giáo dục con người về sự sống đan xen giáo lý, đừng đụng đến mạng sống con người.”, cha Quế cho biết.  Như để minh chứng, cha Quế đưa cho chúng tôi xem những bài nói chuyện hàng tháng của mình. Như bài giảng vào ngày 13.3.2013, cha Quế viết (tóm lược): “Cứ mỗi lần hoay hoay làm việc tại nghĩa trang này, lòng tôi gợi nhớ tới bài hát một cõi đi về của Trịnh Công Sơn. Chính vì thế, mà tôi muốn mượn tựa đề bài hát này để đặt tên cho cái Nghĩa trang Thai Nhi…  Mây che trên đầu và nắng trên vai/Đôi chân ta đi sông còn ở lại/Con tim yêu thương vô tình chợt gọi/Lại thấy trong ta hiện bóng con người. Đã ra đi sao còn luyến tiếc? Đã vứt bỏ sao lại còn ngoái lại? Tại sao nhẫn tâm, vô tình mà con tim vẫn "hiện bóng con người"? Trái tim của 7.362 em thai nhi (tính vào thời điểm mà cha Quế viết bài giảng-PV) đang nằm nơi đây, đâu có lạnh lùng. Trái tim các em vẫn đập những nhịp sống yêu thương tràn đầy với chúng ta đấy chứ… Trong khi ta về lại nhớ ta đi/Đi lên non cao đi về biển rộng/Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng/Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Liệu nhân gian có độ lượng hay không? Đôi tay của mỗi người chúng ta hôm nay có mở rộng để đón nhận các em nhỏ về đây không?.… Chúng ta là những người còn sống cũng mong ước điều này huống hồ là 3.762 thai nhi? Hãy làm một việc gì đối với các em đi. Tôi tin chắc rằng, các em sẽ không bao giờ quên chúng ta… “

Cũng theo cha Quế, mỗi lần có đoàn học sinh sinh viên nào đến thăm giáo xứ đều được dẫn ra nghĩa  trang để …tham quan. “ Khi đến đây tôi thường đề cập đến tình trạng quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến nạn phá thai ngày càng nhiều, nhất là trong giới học sinh- sinh viên, công nhân… Đề cập đến nhiều thai nhi đã thành hình hài đầy đủ, vậy mà người ta dùng nước muối chích vào làm cho da em co rúm lại để sinh non. Tại sao con người quá ích kỷ, giết chết cả khúc ruột của mình; đau quá, tội nghiệp quá. Có như vậy, mới giáo dục được các em không nên dễ dãi trong vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân”, cha Quế tâm sự.

Chôn thêm 40 năm nữa

 Bên trong nghĩa trang, 2 bên đường  những ngôi mộ được xây dựng bằng đá hoa cương màu đen khích thước 20x30cm, cao 15cm khá bắt mắt. Đây là nơi yên nghĩ của hơn 15.500 hài nhi, và hàng tuần nghĩa trang vẫn tiếp nhận những sinh linh vô tội khác về đây chôn cất. Theo quy hoạch, nghĩa trang này xây dựng để khoảng 2.000 ngôi mộ thai nhi vô danh. Theo tính toán của cha Quế, cứ mỗi tháng chôn 4 lần, thì phải đến 40 năm nữa mới hết đất của nghĩa trang.

“Nhiều người hỏi tôi, cha được gì khi làm một việc chẳng giống ai hoặc có người nói, cha vẽ đường cho hưu chạy… nhưng thử hỏi không có nghĩa trang này, thì 15.500 thai nhi này đi về đâu?”, cha Quế đặt câu hỏi. Chia tay, cha Quế nói với chúng tôi: “Những lúc có buồn phiền, tôi tìm đến nghĩa trang. Lúc này, văng vẳng đâu đó, tôi nghe tiếng cười khúc khích của các em như đang vui đùa với bản thân mình…”

Hoàng Tuấn  - Nguyễn Long

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.