Là treo lương ai vậy?
Treo lương những người công nhân mỗi sớm mỗi đêm cặm cụi quét dọn, thu gom rác trên từng con đường, trong từng góc hẻm. Họ, trong bộ đồ bảo hộ với những vệt phản quang lóe lên trong ánh đèn xe, có khi lao vội qua con đường xe cộ tấp nập để nhặt một vỏ chai nhựa ai đó thiếu ý thức ném xuống đường. Họ, với chiếc khẩu trang bịt kín mặt làm việc trong điều kiện nắng nôi khổ cực và rác rưởi hôi thối để giữ cho thành phố được sạch sẽ như ta mong đợi. Họ, được nhận lại một khoản tiền lương chẳng đáng là bao để bù đắp cho công sức lao động vất vả mỗi ngày. Đồng lương khiêm tốn ấy, có khi, là tất cả thu nhập của một gia đình nghèo, nhưng luôn kiên cường chiến đấu để trụ lại trong giới hạn của cuộc sống lương thiện đáng kính trọng. Vậy mà đồng lương khiêm tốn ấy lại bị treo cả nửa năm trời rồi.
Vì sao mà treo lương của những người công nhân nghèo như vậy? Là thủ tục, là thứ thủ tục hành chính được viện dẫn như thể những nguyên tắc vàng gì đấy của quản lý chặt chẽ và minh bạch. Là cái chi tiết thủ tục được viện dẫn để giải thích chuyện treo lương công nhân là chờ thống nhất đơn giá dịch vụ công ích. Có cái đơn giá thôi mà thống nhất hơn 3 năm rồi vẫn chưa được, đến năm 2017 rồi mà vẫn tạm dùng đơn giá của năm 2013 để tạm thanh toán. Điều gì là nguyên nhân thật của sự chậm trễ này, nếu không phải là thói quan liêu, vô cảm của một số cơ quan chức năng liên quan trước quyền lợi tối thiểu của những người công nhân nghèo trong lĩnh vực vệ sinh môi trường?
Chuyện còn đau lòng hơn khi lãnh đạo Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (Citenco) than thở đến nay vẫn chưa thể xác định được chắc chắn khi nào thì có thể thanh toán tiền cho các công ty dịch vụ công ích quận, huyện. Lý do vẫn là chờ UBND TP phê duyệt đơn giá dịch vụ công ích. UBND TP thì cho biết đã giao cho Sở TN-MT tham mưu giải quyết. Nghĩa là còn phải chờ kết quả tham mưu, còn phải chờ xem xét kết quả tham mưu. Nghĩa là còn có thể chưa chấp thuận ý kiến tham mưu, còn có thể sẽ tham mưu lại. Và nghĩa là công nhân có thể sẽ còn phải chờ.
Có ai đó đại diện cho những người công nhân môi trường đô thị để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ không? Tại sao những người công nhân nghèo lại có thể là nạn nhân của thói quan liêu vô cảm như vậy?
Chúng ta chưa từng nghe chuyện nợ lương, treo lương với những người có chức vụ. Sao lại chỉ được nghe chuyện nợ lương những người lao động nghèo, những người lao động vất vả, cực khổ với đồng lương không thể thấp hơn?
Các vị quan chức, công chức quan liêu sẽ nói gì với người dân trước một nghịch lý chua xót đến vậy?
Bình luận (0)