Một khóa đào tào bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nhân viên của Furama Resort - Ảnh: Nguyễn Tú |
Lôi kéo nhân viên
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.Đà Nẵng cho hay năm 2012 đã đón 2,65 triệu lượt khách, tăng 12%, mang lại nguồn thu 6.000 tỉ đồng, tăng 36% so với 2011. Với mục tiêu trở thành “Đô thị du lịch” năm 2020, TP.Đà Nẵng đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa du lịch thành ngành mũi nhọn, dự kiến năm 2015 đón 4 triệu lượt khách, thu 8.550 tỉ đồng và năm 2020 dự kiến đón 8,1 triệu lượt khách, thu 23.230 tỉ đồng, nâng tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GDP thành phố từ 7% lên 8 - 9%.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là hiện thành phố có 355 khách sạn với 11.447 phòng cùng 13.903 lao động làm trong ngành du lịch nhưng chỉ có 40,6% lao động được đào tạo đúng chuyên môn.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiêm Tổng giám đốc Furama Resort cho hay đến năm 2015, Đà Nẵng có khoảng 4.429 khách sạn với hơn 15.500 phòng và cần thêm 20.000 lao động cho ngành du lịch, đến 2020 cần thêm 33.300 lao động, nhưng đáng báo động là hiện nay học viên tốt nghiệp hằng năm chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu, thiếu kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, cho biết từ khi đi vào hoạt động năm 1997 đến nay, Furama Resort đã đào tạo hơn 2.500 nhân viên với 125 vị trí trong khi nhu cầu sử dụng chỉ một phần trong số đó. Ông Vinh đơn cử, nhiều trường hợp đang làm trợ lý hoặc phó trưởng một bộ phận đang hưởng mức lương tầm 700 - 800 USD/tháng, thì các resort, khách sạn 4 - 5 sao mới ra đời sẵn sàng lôi kéo người này về để làm trưởng bộ phận với mức lương khoảng 1.000 USD/tháng.
Đó là một lời đề nghị hấp dẫn cả về tiền bạc và chức vụ mà khó ai từ chối, tuy nhiên thực trạng đó phản ánh tính thiếu ổn định của nhân lực du lịch ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ dẫn đến bất lợi cho ngành du lịch. Sự cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực còn tạo gánh nặng tiền lương cho doanh nghiệp, làm rạn vỡ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động.
Sinh viên chê bếp, buồng phòng
TS.Trương Sỹ Quý, Khoa du lịch ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên cần phải giải quyết 3 mâu thuẫn mới giải được bài toán nhân lực du lịch. Sinh viên đổ xô học hướng dẫn viên, lễ tân trong khi vị trí này chỉ chiếm 5 - 15% trong khách sạn, trong khi doanh nghiệp cần đến 70% cho vị trí bảo vệ, buồng phòng, bếp, nhà hàng thì tuyển không ra. TS Quý phân tích, sinh viên theo học ngành du lịch trình độ đại học, cao đẳng chê công việc buồng phòng, bếp... mà quên rằng, mức lương khởi nghiệp nhân viên khách sạn 4 - 5 sao có thể chỉ 3,5 triệu đồng/tháng nhưng ở vị trí giám sát, mức lương tăng gấp đôi và tăng gấp 3 gấp 5 nếu là trợ lý bộ phận và mức lương trưởng bộ phận trung bình khoảng 1.600 USD/tháng.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, đa phần là ở trường công lập vẫn đang dạy sinh viên những gì trường có chứ chưa phải là kỹ năng doanh nghiệp cần. TS Quý cho biết thêm 3 năm trước, ngành quản trị kinh doanh du lịch thuộc ngành quản trị kinh doanh nên số học phần chuyên ngành du lịch không được quá 25% khung chương trình theo quy định. Đến nay, kinh doanh du lịch đã là ngành độc lập nhưng thời lượng các môn chuyên ngành cũng chỉ chiếm khoảng 50% thời lượng học nên việc các doanh nghiệp than phiền phải đào tạo lại sinh viên là điều dễ hiểu.
Theo Hiệp hội du lịch TP.Đà Nẵng, đã đến lúc cần có sự ra đời của trung tâm cung ứng nguồn nhân lực du lịch để kết nối các đầu mối liên quan. Trước mắt là quy hoạch mạng lưới đào tạo cho cả khu vực bằng cách liên kết các trường ĐH, CĐ, dạy nghề, trong đó khuyến khích các tổ chức quốc tế mở trường đào tạo tại miền Trung. Trung tâm này nhận đặt hàng từ doanh nghiệp, giao nhà trường đào tạo lý thuyết, Hiệp hội du lịch dạy thực hành và bảo lãnh để các ngân hàng cho sinh viên vay vốn.
Đồng thời, UBND TP.Đà Nẵng cũng đang đầu tư xây dựng trường CĐ Nghề du lịch Đà Nẵng trở thành cơ sở đào tọa chuẩn quốc gia, hướng đến nâng cấp thành trường ĐH phục vụ nhu cầu thành phố.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)