Nghịch lý phí qua trạm - Bài 4:“Trăm dâu” đổ đầu người dân

03/12/2009 23:21 GMT+7

Phí cầu đường đè nặng lên mỗi chuyến vận tải hành khách và hàng hóa khiến doanh nghiệp (DN) lao đao, nhưng "trăm dâu" rồi cũng đổ đầu người dân vì mọi chi phí này đều được áp vào giá thành. Mời nghe đọc bài

Nông dân kêu trời

Ông Bảy Tới (một nông dân trồng thanh long ở thị trấn Thuận Nam, H.Hàm Thuận Nam) đem một lá đơn “cầu cứu” với 12 chữ ký của 12 chủ xe chuyên vận chuyển phân bón, vật tư, rơm rạ cho việc trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam đến Báo Thanh Niên nêu những bức xúc về việc phải đóng phí khi qua trạm thu phí (TTP) Sông Phan (tỉnh Bình Thuận). Theo ông Tới, 2 chiếc xe loại 1,5 tấn của ông dùng để chở phân bón và thanh long suốt năm quanh quẩn từ thị trấn Thuận Nam đến Hàm Minh, không hề "bén gót" đến cầu Đồng Nai 2 nhưng lại phải đóng tiền cho cây cầu này thì quá vô lý. 

Trong buổi chất vấn và trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận ngày 3.12, bà Châu Thị Lê - Giám đốc Sở GTVT - cho biết: Bộ GTVT cho biết việc “thu phí cho cầu Đồng Nai tại trạm Sông Phan, Bình Thuận là lâu dài và không phụ thuộc vào việc thu phí cho công trình hay dự án nào”. Ông Huỳnh Văn Tý - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận cho biết: “Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT có văn bản giải thích rõ vụ việc này và công khai trước nhân dân”. (Quế Hà)

Một đơn khác có chữ ký của 8 chủ xe đều là dân làm thanh long ở xã Hàm Minh và thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam. Họ đều có chung bức xúc là phải đóng phí cho việc xây dựng cầu Đồng Nai 2 tại TTP Sông Phan. Chị Lê Thị Ngọc cho biết, mỗi xe tải nhỏ (loại 1,5 tấn) phải đóng phí 10.000 đồng/lượt, chị có 3 xe, mỗi ngày 4 lượt đi về nên mất đứt 120.000 đồng/ngày. Số chi phí này trở thành gánh nặng quá lớn đối với những nông dân làm ăn quy mô nhỏ, và oan ức nhất là người nông dân phải trích những đồng tiền ít ỏi kiếm được để đóng phí xây dựng cây cầu mà họ không sử dụng trong suốt gần 1 năm trời qua.

 Ông Phạm Tuấn - Giám đốc Xí nghiệp xe máy thuộc Công ty Quản Trung (Bình Thuận) - cho biết, công ty có 67 chiếc xe, chủ yếu là xe ben chở cát và vật liệu xây dựng. “Cả đời” những chiếc xe này chưa bao giờ rời khỏi địa phương, chứ nói gì đến tận Đồng Nai, vậy mà ngày ngày phải "còng lưng" đóng phí để xây dựng một cây cầu ở tận đẩu đâu. Theo ông Tuấn, mỗi tháng số tiền mua vé qua TTP Sông Phan lên đến hàng chục triệu đồng, trở thành gánh nặng cho hoạt động của công ty. Chỉ riêng tháng 10.2009, công ty mua vé hết hơn 15 triệu đồng, trong đó 9 chiếc xe buýt chạy tuyến Phan Thiết - Hàm Tân phải trả phí qua trạm Sông Phan là 2,7 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp lao đao, dân lãnh đủ

Kẹt xe trên đèo Bảo Lộc - ảnh: Lâm Viên

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, trong giá thành vận tải, phí cầu đường chiếm tới 8 - 10%. Đây là mức bình quân, còn ở từng trường hợp cụ thể thì mức chi phí này có thể cao hơn. Chặng đường khoảng 100 km từ Hà Nội đi Thái Bình, mức tiêu hao nhiên liệu quy thành tiền của một chiếc xe 16 chỗ trên dưới 400.000 đồng, tiền mua vé cầu đường ngót nghét 100.000 đồng. Chủ một DN chạy xe liên tỉnh thừa nhận, phí cầu đường quá nặng nên buộc tài xế nếu muốn có lời phải bắt thêm khách.

Với các DN vận tải hàng hóa bằng container thì phí cầu đường thực sự trở thành nỗi ám ảnh. Một chuyến container Bắc - Nam phí cầu đường bét lắm cũng phải mất 3,3 triệu đồng. Phí cầu đường quá nhiều khiến các chủ DN đau đầu tính toán, cắt bỏ tất cả các khoản chi phí không cần thiết mới đảm bảo có được chút lợi nhuận để duy trì hoạt động. Thậm chí nhiều tài xế còn thừa nhận, phí nhiều đã làm nảy sinh tiêu cực, để có lợi thì lái xe thường thỏa thuận “cưa đôi” tiền phí với nhân viên thu phí.

Mới đây, từ ngày 11.11, sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bàn giao cho Công ty xây dựng công trình 545 tổ chức thu phí hai trạm Hòa Phước và trạm phía nam hầm đường bộ Hải Vân (Đà Nẵng), lập tức mức phí tại hai trạm này được nâng cao gấp 1,5 - 2 lần so với trước đó. Ông Trần Viết Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng - cho rằng với mức thu tăng cao và trên một khoảng cách chưa đầy 30 km giữa 2 trạm này là bất hợp lý. Mặt khác, mức thu của TTP nam Hải Vân cao hơn trạm bắc Hải Vân từ 20-40%, gây bất tiện cho DN và kéo theo tình trạng các xe chạy tuyến cố định thi nhau mua vé tháng, vé quý tại trạm phía bắc. Từ đó, trạm phía nam đứng trước nguy cơ bị thất thu do “đối đầu” với vé tháng, vé quý “giá thấp” của trạm bắc Hải Vân. Do đó, hiệp hội đã có công văn trình Chính phủ và Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện mức thu tại trạm Hòa Phước theo mức cơ bản hoặc chỉ tăng 10-20% so với mức cơ bản, còn tại trạm nam Hải Vân vẫn giữ nguyên mức trước đây là gấp 1,5 lần so với mức cơ bản. 

Đoạn trường nộp phí cầu đường

Theo nhiều tài xế tuyến Bắc - Nam, cách đây chừng 1 năm, phí cầu đường toàn quốc ở mức chấp nhận được nhưng hiện nay hầu hết đều tăng từ 50 - 100%. Khủng khiếp nhất là trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) tăng gấp đôi. Nộp phí quá nhiều, xăng dầu cũng tăng giá nên phát sinh chi phí hoạt động lớn, buộc DN phải tăng giá khiến lượng khách hàng giảm sút.

Quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) lên đến TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ 230km nhưng có tới 3 TTP. Trong đó, quốc lộ 20 đoạn qua thị trấn Madaguoi (H.Đạ Hoai) và đèo Bảo Lộc đang nâng cấp sửa chữa, thường xuyên diễn ra cảnh từng đoàn xe nằm đèo chờ hàng giờ đồng hồ, tuy nhiên TTP trên đỉnh đèo vẫn miệt mài thu phí. Du khách đến Đà Lạt có khi phải chờ 3 - 4 tiếng đồng hồ mới thông đường lên đèo Bảo Lộc, hành khách, tài xế chưa kịp hết bức xúc thì lại phải dừng lại nộp phí, cảm giác chẳng khác gì bị “trấn lột”.

Lâm Viên - Thái Sơn - Lê Tùng

Trạm dày, kẹt xe nặng

Tình trạng TTP dày đặc, công nghệ lạc hậu trong khi đường sá xuống cấp khiến người tham gia lưu thông rơi vào cảnh bỏ tiền để chuốc lấy sự kẹt xe, mất thời gian. Từ Quảng Bình về Hà Nội dày đặc TTP khiến xe cộ lưu thông với tốc độ chậm. Đặc biệt là tại trạm Tào Xuyên của Thanh Hóa, đường sá hẹp và xuống cấp thê thảm mà vẫn bố trí TTP nên hậu quả là kẹt xe thường trực tại đây. Vào giờ cao điểm, xe phải xếp hàng 3-4 km để mua vé, có khi 45 phút mới mua được vé qua trạm. Trạm Hoàng Mai tại Nghệ An cũng thường xuyên gây kẹt xe do bố trí không hợp lý, xe cộ đậu lộn xộn để nghỉ qua đêm...

Tại TP.HCM, trong khi các cửa ngõ vào trung tâm quá tải thì lại có thêm hàng loạt TTP án ngữ khiến kẹt xe càng nặng. TTP cầu Bình Triệu 2 (trên quốc lộ 13) được bố trí dưới chân cầu Bình Triệu 2 khiến cho các xe tải nặng sau khi phải dừng lại mua phí thì mất đà, phải ì ạch bò lên cầu có độ dốc cao, từ đó làm chậm dòng lưu thông và gây kẹt xe. Chưa kể quốc lộ 13 thì hẹp, xe cộ đông, cách đó 100m là điểm giao cắt đường sắt thường xuyên kẹt xe, TTP cầu Bình Triệu 2 trở thành như một “chướng ngại vật” ngăn dòng phương tiện lưu thông.

TTP xa lộ Hà Nội từ khi dời về ngã ba Tây Hòa (trước Nhà máy xi măng Hà Tiên 1) thì càng gây kẹt xe, bởi nằm quá gần các điểm "nóng" về ùn tắc như: ngã tư RMK, ngã tư Bình Thái, ngã tư Thủ Đức... Trong khi đó, Sở GTVT buộc các xe muốn vào hàng chục cảng trung chuyển bên trong ngã tư RMK, phải chạy xuống ngã tư Thủ Đức rồi mới quay đầu lại nên càng khiến kẹt xe trên cung đường này thêm căng thẳng.

Theo ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty vận tải Đặng Tiến, tại các giao lộ, xe cộ chỉ dừng đèn đỏ vài chục giây là đã xếp hàng nối dài trong khi tại TTP, xe nào cũng phải dừng mua vé làm ngưng trệ hẳn một dòng xe đang lưu thông thông suốt trên quốc lộ, kéo theo hàng loạt những thiệt hại về thời gian, chi phí nhiên liệu, khấu hao máy móc...

P.T

Phương Thanh - Quế Hà - Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.