Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập trong buổi khảo sát của Đoàn ĐBQH TP.HCM về tình hình thực hiện luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại TP.HCM từ ngày 1.1.2018 - 30.6.2022.
DNNVV cần được phổ biến rộng rãi những chương trình hỗ trợ phát triển kinh doanh |
NGỌC DƯƠNG |
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 900.000 doanh nghiệp (DN), trong đó số DNNVV chiếm khoảng 98%. Khu vực DNNVV đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khoảng 30% tổng thu ngân sách. Riêng TP.HCM có 264.407 DNNVV, chiếm 97,5% trong tổng số 271.194 DN đang hoạt động trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, mặc dù luật Hỗ trợ DNNVV đã triển khai hơn 4 năm nhưng số DN thụ hưởng từ các chương trình hỗ trợ còn khiêm tốn. Cụ thể, dưới 8% DN được nhận hỗ trợ và chủ yếu là từ chương trình cấp bảo lãnh tín dụng. Đáng ngạc nhiên hơn khi đầu ra số liệu khảo sát cho thấy hơn một nửa DNNVV không biết có luật Hỗ trợ DNNVV. Trong khi đó, những chương trình hỗ trợ dù cho DN nhưng lại tác động trực tiếp đến chủ thể sản xuất khác - người lao động.
Thực tế, dường như chúng ta đang sống trong một thời đại “bùng nổ thông tin” nhưng lại rất “thiếu thông tin”. Lao động bị lừa vay qua app với lãi suất cắt cổ nói rằng vì không biết nguồn vay an toàn nào của cơ quan nhà nước. Sinh viên lỡ sa bẫy đa cấp nói do không biết đến thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo…
Người viết tin rằng trong mọi thời điểm, việc tăng cường những thông tin chính thống chưa bao giờ là dư thừa, tương tự như cách diệt tin giả (fake news).
Nhưng như ở câu chuyện về luật Hỗ trợ DNNVV, tại sao các chủ DN vẫn nói là mình không biết gì về luật này và các chương trình hỗ trợ đi kèm ? Do truyền thông chính sách chưa tới nơi tới chốn, chưa thu hút sự tham gia của DN hay do đã truyền thông nhiều, nhưng cách truyền thông lạc hậu và chỉ dừng ở mức “truyền tin”?... Dù là nguyên nhân nào cũng rất cần mổ xẻ để sự hỗ trợ kịp thời tới DNNVV.
Bình luận (0)