Giá thức ăn tăng cao cùng với dịch bệnh phức tạp khiến người chăn nuôi lao đao, thậm chí phá sản, giảm đàn từ 60%- 80%.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cho rằng tuy đã đưa vào danh mục bình ổn giá nhưng cho đến nay Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Doanh nghiệp trong nước vẫn phải mua USD giá cao, chịu lãi suất ngân hàng 19%- 21%. Cộng thêm điện, xăng dầu, cước vận tải tăng cao làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN phải đóng cửa, hàng trăm doanh nghiệp phải chuyển sang mua bán nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp đã giảm giá thành bằng cách giảm chất lượng TACN, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thế nhưng tại hội thảo này cũng không ít ý kiến đã chỉ ra những bất hợp lý hết sức đáng chú ý. Theo ông Lý Anh Dũng, Giám đốc Công ty Quang Dũng, giá TACN trong nước hiện đang cao hơn khoảng 10% so với nhiều nước trên thế giới, dù chính sách thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thức ăn nhiều loại được giảm còn 0%, trong khi các nước khác lại không được ưu đãi như vậy. Năm 2010 các đơn vị sản xuất TACN trong nước vẫn lãi từ 5%- 7%, trong khi các nước trong khu vực chỉ cần lãi 1%- 1,5%.
Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước phải nhanh chóng thay đổi chiến lược, công nghệ… bởi áp lực cạnh tranh thời gian tới sẽ rất khốc liệt.
Hoàng Việt
Bình luận (0)