Sau khi bài báo "Biếu không" mỏ than tốt nhất cho nước ngoài được đăng lên Báo Thanh Niên số ra ngày 21.5, đã có hàng trăm phản hồi của độc giả gửi về. Rất nhiều ý kiến tâm huyết của những người thợ mỏ, những nhà quản lý, cả học sinh, sinh viên… tất cả đều thể hiện sự đau xót vì tài nguyên quốc gia bị thất thoát.
>> Mỏ than “ngoại” ở Uông Bí: Nếu vi phạm có thể rút giấy phép
>> Mỏ than "ngoại" khai thác vượt hạn mức
>> “Biếu không” nước ngoài mỏ than tốt nhất
Một chuyên gia mỏ từng làm việc tại Vietmindo đã gửi email bày tỏ: “Sau khi đọc xong bài báo, tôi vô cùng xúc động vì đã có cơ quan công luận quan tâm đến vấn đề mà tôi ấp ủ từ rất lâu mà không biết chia sẻ cùng ai. Tôi nguyên là một cán bộ quản đốc của Vietmindo từ năm 2006. Trong quá trình làm việc tại Vietmindo, tôi thấy có rất nhiều bất cập. Khu vực quy hoạch bãi thải không hợp lý nên đã đổ thải lên khu vực chưa khai thác hết than (khu vỉa 4, 5, 6 gần kho mìn); khai thác không có quy trình, chỗ nhiều than, dễ khai thác thì lấy hết than, chỗ có ít than hay khó lấy thì bỏ lại làm cho mỏ trở thành một lòng moong bị khoét sâu (vỉa 3, đỉnh vỉa 9); đổ thải không có quy hoạch gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm, đổ thải chặn mấy dòng chảy của suối Tây Uông Thượng...”.
Đó là bức tranh về Vietmindo với cái nhìn từ bên trong. Còn ở bên ngoài, khi lợi ích quốc gia bị thiệt hại, thì dường như không có cơ quan nào đưa ra một chế tài đủ mạnh để bảo vệ nguồn tài nguyên đất nước.
Vietmindo khai thác vượt quy định, từ 500.000 tấn than thành phẩm/năm lên 700.000 tấn, thậm chí trên 800.000 tấn/năm, nhưng Công ty than Uông Bí không có “vũ khí” nào để “hãm phanh” đối tác. Ông Phạm Văn Tứ, Phó tổng giám đốc Công ty than Uông Bí, giải thích: “Chúng tôi làm văn bản phản đối Vietmindo vượt công suất, làm công văn báo cáo các cơ quan chức năng như Tập đoàn Than khoáng sản, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công thương… nhưng chỉ có tập đoàn gửi văn bản về chỉ đạo không được cho phép Vietmindo tăng sản lượng, còn các bộ, ngành, địa phương không có văn bản trả lời”.
Ông Tứ biện minh: “Chúng tôi biết là đối tác khai thác vượt công suất nhưng không có chế tài nào để yêu cầu họ dừng lại. Nếu chúng tôi không chở than cho họ thì họ sẽ thuê người khác”.
Chính Công ty than Uông Bí cũng nuốt trái đắng khi hiện nay, một khai trường của công ty này đang khai thác gần khai trường của Vietmindo, các xe tải chở than phải “đi nhờ” qua đường của Vietmindo, phải đăng ký số xe và chỉ được đi trong khung giờ mà Vietmindo quy định.
Điều trớ trêu là Việt Nam đang nhập khẩu than từ chính Indonesia trong khi chủ mỏ đến từ Indonesia lại đang thu lời lớn tại mỏ than trên vùng Đông Bắc của Việt Nam. Theo một cựu lãnh đạo Công ty than Uông Bí, vài năm gần đây, khi giá than cao, mỗi năm Vietmindo đạt doanh thu trên 40 triệu USD, thu lợi nhuận gần chục triệu USD.
Ngay trên vùng than chất lượng tốt nhất Quảng Ninh, Công ty Vietmindo hầu như không phải đầu tư lớn, họ thuê công ty của Việt Nam bốc xúc đất đá, vận tải than, ông chủ người Indonesia chỉ việc xuất bán than và thu lợi nhuận.
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, khẳng định có thể rút giấy phép khai thác mỏ nếu có sai phạm. Nhưng thực chất tháng 8.2011, chính tổng cục này đã có đợt kiểm tra, đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại mỏ này, nhưng đến nay, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở lập biên bản xử phạt. Còn việc Vietmindo vẫn khai thác vượt hạn mức thì... chưa biết cơ quan nào sẽ xử lý.
Káp Long
Bình luận (0)