Hơn 1 năm trợ giá, 5 tuyến xe buýt nội đô Đà Nẵng ế đến nỗi chủ xe 'cháy' quỹ lương, trong khi xe buýt liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đông khách lại bị 'chặn' đường.
Khi tài xế đình công
Rạng sáng 1.12, tại bãi tập kết xe ở chân cầu Thuận Phước (Q.Hải Châu), hơn 200 tài xế, nhân viên phục vụ đồng loạt tuyên bố đình công khi 5 tuyến xe buýt trợ giá của chi nhánh 2 (Công ty CP công nghiệp Quảng An 1, gọi tắt là Công ty Quảng An 1) chuẩn bị đến giờ xuất bến đầu ngày. Nguyên do, đến thời điểm đó người lao động chưa nhận lương của tháng 10, khiến đời sống chật vật. Lãnh đạo các ngành GTVT, Liên đoàn lao động, LĐ-TB-XH, Công an TP, Phòng Nội chính Văn phòng UBND TP nhận tin báo từ sáng sớm đã kịp có mặt tại hiện trường tìm hiểu vụ việc, sau đó yêu cầu Công ty Quảng An 1 trả ngay lương tháng 10. Đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, người lao động đã được trả lương và “khởi động” các chuyến xe buýt sau nửa ngày gián đoạn.
Chiều 3.12, Sở GTVT TP.Đà Nẵng ra thông cáo báo chí về việc hơn 200 tài xế, phụ xe buýt đình công do bị nợ lương.
Sở GTVT TP.Đà Nẵng lấy lý do các tuyến xe buýt vào nội thành làm tăng ùn tắc là không thuyết phục. Bởi thực tế 20 năm qua các tuyến chạy ổn định theo lộ trình, góp phần giảm ùn tắc chứ không phải ngược lại”
Ông Ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp vận tải - Công ty CP GTVT Quảng Nam
Vụ đình công trên là “giọt nước tràn ly” và đã được cảnh báo trước. Từ khi 5 tuyến xe buýt trợ giá vận hành tháng 10.2016, Công ty Quảng An 1 liên tục nợ lương, chậm trả lương. Trong khi để được ký hợp đồng lao động, tài xế phải nộp cọc 15 triệu đồng/người, nhân viên nộp 3 triệu đồng/người. “Bài ca” lương trễ chua xót đến nỗi, trong một tâm thư gửi Sở GTVT vào ngày 28.3, một khách quen đi buýt ngụ Xuân Thiều, Q.Liên Chiểu viết: “... Hơn một tháng sử dụng xe buýt, ngày nào tôi cũng nghe các bác tài và nhân viên phục vụ phàn nàn về việc chậm trả lương. Ví dụ đến cuối tháng 3 nhưng lương tháng 2 chưa được nhận”.
Sau đình công, Sở GTVT chủ trì đối thoại giữa Tổng giám đốc Công ty Quảng An 1 và người lao động vào ngày 2.12, với sự chứng kiến của đại diện Văn phòng UBND TP, Liên đoàn lao động, Sở LĐ-TB-XH. Sở GTVT đánh giá “Công ty Quảng An 1 đã có nhiều nỗ lực trong vận hành 5 tuyến xe buýt trợ giá đúng theo hợp đồng với TP” và tập thể lái xe, nhân viên phục vụ cam kết không để xảy ra đình công. Tuy nhiên, “tương lai” không ai dám đảm bảo vì nguyên nhân cuộc đình công được chính Sở GTVT mổ xẻ: Do chưa hình thành thói quen đi lại bằng xe buýt và hệ thống chưa bao phủ trong toàn mạng lưới giao thông thành phố nên doanh thu xe buýt trong thời gian qua chưa đạt được theo kế hoạch đề ra”.
Xe liên tỉnh gặp khó
Trong khi 5 tuyến xe buýt được ngân sách trợ giá “èo uột” như vậy, TP.Đà Nẵng có chủ trương không cho xe buýt Đà Nẵng - Quảng Nam vào nội thành, gồm 5 tuyến buýt Đà Nẵng đi Tam Kỳ, Hội An, Phú Đa, Ái Nghĩa, Quế Sơn. Các tuyến này đã hoạt động qua 3 thập niên, 9 doanh nghiệp hiện có gần 100 xe, giải quyết việc làm cho 300 lao động với lượng khách 10.000 lượt/ngày (120 chuyến/tuyến/ngày) và không trợ giá.
Các tuyến xe buýt trợ giá của TP.Đà Nẵng ế ẩm khiến nhiều nhân viên đình công Ảnh: Nguyễn Tú
Theo Sở GTVT TP.Đà Nẵng, điều chỉnh trên đã có từ quy hoạch năm 2012, được xới lại vào tháng 2 vừa qua nhưng doanh nghiệp chưa đồng thuận nên mới đây ngành GTVT đề xuất UBND TP.Đà Nẵng dời đến ngày 1.1.2019 mới thực hiện.
Trong tháng đầu tiên khai trương, UBND TP.Đà Nẵng quyết định miễn phí tuyến xe buýt trợ giá để khuyến khích người dân làm quen với loại phương tiện này.
Mặc dù đề xuất dời ngày thực hiện, nhưng 9 doanh nghiệp xe buýt Đà Nẵng - Quảng Nam lập tức có đơn kiến nghị và được UBND tỉnh Quảng Nam đồng tình, cùng đề nghị TP.Đà Nẵng xem xét lại, thậm chí cần đối thoại. Bởi mạng lưới 5 tuyến này đã hình thành thói quen, nhu cầu của người dân 2 địa phương, giúp giảm lưu lượng xe cá nhân trên QL1 và các tuyến tỉnh lộ, giảm ùn tắc…
Ông Ông Văn Dũng, Giám đốc Xí nghiệp vận tải (Công ty CP GTVT Quảng Nam), cho hay TP.Đà Nẵng dự kiến mở thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá mới thực chất là để thế chỗ trống sau khi chặn 5 tuyến xe buýt Quảng Nam - Đà Nẵng không cho vào nội thành. 6 tuyến trợ giá mới nhằm nối dài cho 5 tuyến trợ giá hiện tại, điều này không chỉ thiếu công bằng cho xe buýt Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn khiến người dân đi từ Đà Nẵng về Quảng Nam phải mất 3 lần đón xe, 3 lần vé. Trong khi đó, phần lớn hành khách là cán bộ, người dân có nhu cầu di chuyển giữa 2 địa phương chứ không chỉ riêng cho khách vào nội thành. “Sở GTVT TP.Đà Nẵng lấy lý do các tuyến xe buýt vào nội thành làm tăng ùn tắc là không thuyết phục. Bởi thực tế 20 năm qua các tuyến chạy ổn định theo lộ trình, góp phần giảm ùn tắc chứ không phải ngược lại”, ông Dũng nói.
Ông Hồ Tấn Ba, Giám đốc HTX Vận tải kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, đưa ra đề xuất xe Quảng Nam - Đà Nẵng hoạt động song song với xe buýt trợ giá theo hướng kết nối với nhau để tiếp cận các điểm đông khách như trường học, bệnh viện, ga, siêu thị... Phương án khác là hầu hết tuyến xe Quảng Nam - Đà Nẵng không qua các điểm đông khách trên nhưng vẫn kết nối, đan xen với xe trợ giá. “Nếu TP.Đà Nẵng chấp thuận, 9 doanh nghiệp sẵn sàng thay mới gần 100 xe, đảm bảo máy lạnh 24/24 giờ, lắp camera để đảm bảo chất lượng nhưng phải cho chúng tôi hoạt động 7 - 10 năm, chứ 2- 3 năm không thể thu hồi vốn”, ông Ba nói.
Trước kiến nghị trên, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND TP.Đà Nẵng tạm dừng chủ trương chặn tuyến để nghiên cứu, về phía tỉnh tiếp tục rà soát xe buýt liên tỉnh để chấn chỉnh các tồn tại chất lượng và thái độ phục vụ.
Ngày 4.8, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 3715 điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định số 2645 ngày 5.6.2015 về thành lập đoàn thanh tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra toàn diện các mặt quản lý đối với việc trợ giá cho hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.
Bình luận (0)