BÀI: Trần Lệ Thủy
Chỉ vì nghiện mùi… sơn
Chị M.V (kế toán viên, Q.7, TP.HCM) chia sẻ, sau những mệt mỏi của công việc, gia đình, chị thường dành thời gian tới lui tiệm gội đầu gần nhà. Mới đầu chị chỉ đến đó gội đầu, sấy tóc… sau đó thì bị cuốn vào thú vẽ nail lúc nào không hay. Từ ngày sơn móng tay, chị lại có thói quen mới là ngửi mùi sơn móng tay. Cái mùi thơm thơm, nồng nồng ấy không biết có ma lực gì mà làm chị bứt rứt nếu không được ngửi.
Cuối cùng chị bỏ nghề kiểm toán viên đang ăn nên làm ra của mình đi học nail rồi về mở một tiệm nail nho nhỏ để vừa kiếm tiền, vừa thỏa sức hít hà mùi thơm của những loại sơn móng tay cho thỏa cơn “thèm”. Chỉ sau 1 năm mở tiệm nail, chị V gầy đi trông thấy, mặt mũi hốc hác, lúc nào cũng trong tình trạng bơ phờ, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu như người làm việc quá sức. Cả nhà bắt chị nghỉ làm, ở nhà nghỉ ngơi, nhưng chị nhớ mùi sơn móng tay, nghỉ ở nhà không nổi 1 ngày.
Mọi việc sẽ cứ thế tiếp diễn, đến 1 ngày chị bị ngất xỉu ở tiệm làm nail sau khi làm cho khách bộ móng tay, chân. Khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ cho biết chính sở thích và thói quen ngửi mùi sơn móng tay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hệ thần kinh của chị. Nếu can thiệp muộn, chị có thể bị mất ý thức, thậm chí là có thể tử vong do các loại hóa chất này. Sau hơn 3 tháng điều trị cả về tâm và bệnh lý, hiện M.V đã bình ổn xin đi làm nghề kiểm toán trở lại, và mỗi lần thấy hình lọ sơn móng tay, dù chỉ trên các tạp chí, báo, chị vẫn rùng mình.
NHIỀU CHẤT ĐỘC HẠI
TS.BS. Trần Việt Hồng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM cho biết, trong các loại sơn móng tay có nhiều hóa chất độc hại, nguy hiểm nhất là 2 loại hóa chất formaldehyde và toluene ở dạng dung môi hữu cơ bay hơi rất nhanh và được hấp thụ ngay qua đường hô hấp, sau đó lưu tại gan, tủy sống và các tế bào mỡ. Formadehyde là chất bảo quản được dùng trong các loại mỹ phẩm rẻ tiền.
Nhiều người không để ý nên cho rằng mùi của các loại sơn móng tay không tác động nhiều đến họ, nhưng trên thực tế, ngay sau khi hít phải, các loại hóa chất này sẽ gây ra trạng thái kích thích, sau đó là buồn ngủ, rồi đến chóng mặt. Nếu sức chịu đựng của cơ thể yếu, thậm chí bạn có thể bị giảm phản xạ, yếu cơ và xuất hiện tâm trạng thờ ơ, chán nản. Formaldehyde được coi là nguyên nhân làm cay mắt, ho, khó thở, tức ngực, hen suyễn, thậm chí có thể tác động đến chu kỳ “đèn đỏ” của chị em nếu thường xuyên tiếp xúc với loại hóa chất này.
Trên thị trường bày bán nhiều loại sơn móng chân, móng tay giá rẻ có chứa các thành phần hóa chất độc hại như formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate.. Trong sơn móng chân, móng tay, formaldehyde còn có tác dụng cứng móng. Formaldehyde thuộc nhóm các chất gây ung thư. Chất bám dính, chất tạo màu trong sơn có thể làm móng bị sần sùi, bong móng, tách móng. Khi móng bị bong hoặc tróc sẽ gây viêm nhiễm vùng da quanh móng.
Nếu trong thành phần của các loại sơn này sử dụng các chất độc có khả năng tích lũy asen chẳng hạn thì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng khi sử dụng lâu dài. Biến chứng hay gặp nhất khi sơn móng là dị ứng hoặc tăng sừng, xơ cứng các đầu móng. Có trường hợp hình dạng, cấu trúc, màu sắc của móng bị biến đổi. Nặng hơn có thể gây viêm nhiễm đầu ngón làm phù nề, đau đớn. Nếu không được điều trị đúng cách, vùng da móng bị tổn thương sẽ nhiễm trùng, thậm chí hoại tử.
Của rẻ là của ôi
Bác sĩ Lê Ngọc Diệp – Khoa da liễu BV ĐH Y dược TP.HCM cho hay, cũng giống như da, móng tay cũng cần tiếp xúc với oxy để sống khỏe mạnh. Vì thế bạn không thế chủ quan ỷ y nó là lớp sừng nên thích gì làm đó đâu nhé. Các keratin (một loại protein được tìm thấy trong móng tay và lớp ngoài của da) cũng cho phép thấm hút nước. Hầu hết các loại sơn móng tay trên thị trường hiện nay đều chứa hóa chất để giúp ứng dụng, sấy khô, bóng và bám dính lâu dài cho móng. Vàng móng là kết quả của vệc móng tay bạn hấp thụ một số các sắc tố, oxit sắt từ sơn móng tay.
Hãy tưởng tượng các hóa chất này cũng giống như khi các ống kim loại cũ bị rỉ. Nước chảy ra từ đường ống sắt cũ có thể là màu nâu, kết hợp với các thành phần có trên vết bẩn màu nâu đỏ từ các oxit sắt trong nước. Vì keratin có thể hấp thụ chất lỏng, nên các móng tay, móng chân cũng có thể thấm hút các oxit sắt có trong sơn móng tay, nguy hiểm hơn là nó hoàn toàn có thể dễ dàng ngấm vào máu. Việc sử dụng chất tẩy sơn móng tay (axiton) sẽ làm cho móng bị khô, không bóng và làm hư da khi tiếp xúc quá nhiều, tệ hơn là chúng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch, tổn thương gan và đường tiêu hóa. Nếu muốn sơn móng tay, bạn không nên ham rẻ, mà phải chọn các hãng lớn, có uy tín. Khi sơn hoặc tẩy móng, bạn nên chọn chỗ thoáng mát, tránh hít phải các hợp chất dễ bay hơi. Không nên sơn móng tay thường xuyên hoặc thay đổi màu sơn liên tục để giảm bớt lượng tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Ý kiến chuyên gia: BS Bạch Sương: Điều nên làm khi sơn móng tay, chân
Không nên sơn móng thường xuyên hoặc thay đổi màu sơn liên tục. Khi thấy xuất hiện các dấu hiện mẩn ngứa hoặc nhận biết sự thay đổi của móng như dễ gãy, trở nên mỏng hơn… cần ngưng ngay việc sơn móng, tẩy rửa lớp sơn đang bám trên bề mặt móng và đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn điều trị. Rửa tay, cánh tay và mặt với xà bông tẩy nhẹ sau khi sơn móng tay để tránh bụi hóa chất đọng trên người.
Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không lựa chọn phương pháp làm đẹp này cho trẻ nhỏ. Vì trẻ nhỏ hay có thói quen gặm, mút tay, nên các chất độc hại có trong sản phẩm sơn móng có thể khiến trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa, nếu thấm vào máu có thể gây ung thư, suy tủy, tổn thương gan. Sơn sửa móng tay thường xuyên sẽ khiến móng yếu đi, giòn, khô và dễ gãy, ảnh hưởng tới khả năng bảo vệ cơ thể. Kèm theo đó, chân móng, kẽ móng còn rất dễ bị nhiễm trùng, vùng da xung quanh rất dễ bị nhiễm nấm.
Ngoài ra chất dung dịch tẩy rửa nến bạn dùng thường xuyên gây khô móng. Để có được bộ móng đẹp và thời trang, bạn cần để cho móng có thời gian được nghỉ ngơi (có thể sơn 1 - 2 tuần) để lớp sơn tự tróc đi, dừng lại 3 - 4 tuần rồi mới sơn lại, còn nếu bạn sơn liên tục lâu ngày sẽ gây thoái hóa móng cùng những tác hại lớn đến sức khỏe.