Ngộ độc chì, trẻ dễ động kinh

11/04/2012 09:24 GMT+7

Cùng lượng chì vào cơ thể nhưng trẻ em hấp thụ sang máu nhiều hơn người lớn nên thường tác hại trầm trọng hơn

Cùng lượng chì vào cơ thể nhưng trẻ em hấp thụ sang máu nhiều hơn người lớn nên thường tác hại trầm trọng hơn

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân ngộ độc chì. Hầu hết bệnh nhân nhập viện với triệu chứng nôn nhiều, co giật, da xanh xao và kết quả xét nghiệm đều có hàm lượng chì trong máu cao.

Dễ nhiễm khi phá nhà cũ

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới việc cơ thể chúng ta nhiễm độc chì. Chẳng hạn, sử dụng các loại sơn có pha chì để sơn tường nhà thì khi lớp sơn bị tróc, chì rơi ra ngoài sẽ dễ gây ngộ độc cho những người trong gia đình.

 
Rau muống, cần nước, ngó sen... nếu trồng ở nơi có nước thải công nghiệp sẽ rất dễ có nguy cơ nhiễm nhiều chì - Ảnh: Xuân Thảo

Dùng ống dẫn nước hoặc đồ chứa nước bằng kim loại có chất chì thì chì cũng dễ thôi nhiễm vào nước. Chì có nhiều trong những vùng đất gần trục lộ giao thông, nhà xây cất cũ, hầm mỏ, khu kỹ nghệ, khu chứa rác, lò đốt. Công nhân làm bình điện xe tự động hoặc kỹ nghệ luyện chì, dụng cụ bằng nhựa plastic, hàn cắt thép, kỹ nghệ đồ gốm, đập phá nhà cũ, tu bổ bình tản nhiệt xe hơi… là những người dễ nhiễm chì.

Trong khói thuốc lá và một số loại mỹ phẩm, thuốc nhuộm tóc, keo xịt tóc cũng chứa một lượng chì đáng kể. Ở vùng nông thôn, trẻ em rất dễ vô tình nuốt phải chì do chơi các viên bi tròn đúc bằng chì hoặc đánh đáo bằng cục chì. Một số thực phẩm như rau muống, cần nước, rau nhút, ngó sen... nếu được trồng ở nơi có nguồn nước thải công nghiệp thì cũng có nguy cơ nhiễm nhiều chì.

 

Những lưu ý để phòng ngừa

Nếu sinh sống tại vùng có khả năng nhiễm độc chì, để phòng ngừa, chúng ta cần thường xuyên rửa tay trước khi ăn cũng như khi đi ngủ, nhất là với trẻ em hay chơi dưới đất; thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế với khăn ướt; không cho trẻ con chơi gần trục lộ giao thông, cầu cống. Người làm việc có tiếp xúc với chì thì cần tắm rửa, thay quần áo và dày dép trước khi về nhà; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhiều sắt và calci...

Ở nước ta, ngộ độc chì thường xảy ra và gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhưng hầu hết người dân chưa ý thức được điều này. Chì vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, qua ăn uống thực phẩm nhiễm chì.

Cùng lượng chì vào cơ thể nhưng trẻ em hấp thụ sang máu nhiều hơn người lớn nên thường bị tác hại trầm trọng hơn, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi vì hệ thần kinh còn non yếu và khả năng thải độc chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh. Khi vào cơ thể, chì tích tụ mỗi ngày một nhiều nếu chúng ta thường xuyên tiếp cận với chất này.

Khó nhận biết

Dấu hiệu của ngộ độc chì thường xuất hiện âm thầm, khó biết trừ phi tích tụ mức độ cao trong cơ thể nhưng triệu chứng cũng mơ hồ.

Ngộ độc chì cấp tính khiến cho trẻ em lên cơn kinh phong, cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững. Trường hợp ngộ độc mãn tính thì trẻ sẽ chậm phát triển trí tuệ, hay gây gổ, động kinh thường xuyên, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, thậm chí tử vong.

Với người lớn thì thường tăng huyết áp, nhức đầu, đau tê đầu ngón chân và tay, bắp thịt mỏi yếu, đau bụng, thay đổi tâm trạng, kém sản xuất tinh trùng… vì ngộ độc chì. Lâu ngày, ngộ độc chì sẽ dẫn tới suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.