Theo Nikkei Asia ngày 24.4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lo ngại về quỹ đạo của mối quan hệ song phương. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Blinken sẽ thực hiện chuyến thăm 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24.4, gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Lần cuối cùng ông Blinken ở Bắc Kinh và gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là vào tháng 6.2023.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết các chủ đề mà ông Blinken sẽ thảo luận bao gồm cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, tình hình chiến sự Nga - Ukraine, các vấn đề liên quan eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Chiến sự ở Ukraine là trọng tâm
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken sẽ trình bày "mối quan ngại sâu sắc" về điều mà theo Mỹ là sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga. Đầu tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell phát biểu tại một hội thảo tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ rằng trong vài tháng qua, họ đánh giá rằng Nga đã "gần như tái thiết hoàn toàn về mặt quân sự", với sự hỗ trợ được cho là đến từ Trung Quốc.
Phản ứng về thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu trong cuộc họp báo hôm 23.4 rằng: "Một mặt, Mỹ ban hành các dự luật viện trợ khổng lồ cho Ukraine, mặt khác đưa ra những cáo buộc vô căn cứ đối với các tương tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này".
Theo Hoàn Cầu thời báo ngày 23.4, đối với vấn đề Ukraine, Trung Quốc luôn duy trì lập trường khách quan và công bằng, tích cực ủng hộ hòa bình và thúc đẩy giải pháp chính trị. Đồng thời, Trung Quốc luôn kiểm soát việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng theo luật pháp và quy định.
Bên cạnh đó, tờ Wall Street Journal hôm 23.4 đưa tin rằng Mỹ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt đe dọa cắt giảm một số ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Theo một số quan chức Mỹ cho rằng động thái này sẽ giúp ngăn chặn sự hỗ trợ thương mại của Trung Quốc đối với hoạt động công nghiệp quân sự của Nga.
Phản ứng về thông tin trên, ông Uông Văn Bân nhấn mạnh Trung Quốc theo "4 không", cụ thể không phải là tác giả hay một bên trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, không "đổ thêm dầu vào lửa", không lợi dụng tình hình để kiếm lợi và không chấp nhận việc bị đổ lỗi. Bên cạnh đó, Trung Quốc có quyền tham gia vào các tương tác kinh tế và thương mại bình thường với tất cả các nước trên thế giới (gồm Nga), trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Ông Jeff Mahon, cựu Phó giám đốc bộ phận Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Canada và hiện là Giám đốc điều hành tại Canada West Foundation (Canada), nói rằng việc ngăn chặn sự hỗ trợ của Trung Quốc với Nga sẽ là "ưu tiên hàng đầu" đối với Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Ông Mahon lập luận rằng: "Trung Quốc đã ngầm đồng ý rằng họ sẽ không bán vũ khí cho Nga. Vì vậy, đó là vẫn là giới hạn".
Mỹ không "tách rời" Trung Quốc
Cố vấn kinh tế quốc gia Mỹ Lael Brainard nói rằng Mỹ đang chuẩn bị cho đợt tăng xuất khẩu mới từ Trung Quốc để bù đắp cho thị trường nội địa trì trệ, đồng thời cảnh báo "Trung Quốc không thể xuất khẩu theo cách của mình để phục hồi".
Về phía Trung Quốc, ông Tập nói: "Phía Mỹ áp dụng một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn sự phát triển thương mại và công nghệ của Trung Quốc, đồng thời ngày càng bổ sung thêm nhiều thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Đây không phải là giảm rủi ro mà là tạo ra rủi ro".
Chính quyền Biden đã nhiều lần nói rằng họ không tìm cách "tách rời" khỏi Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã mô tả những nỗ lực của chính quyền Biden là "bảo vệ các công nghệ nền tảng của chúng ta bằng một khoảng sân nhỏ và hàng rào cao".
Giám đốc điều hành tại Canada West Foundation Mahon cho biết, Trung Quốc đặt ra nghi vấn rằng phạm vi các biện pháp của Mỹ liệu đang biến điều đó thành một "sân trung bình" hay không.
Ông Mahon bình luận Mỹ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đều nhận ra rằng có một ma trận lợi ích đang diễn ra. Chiều hướng quan hệ Mỹ-Trung vẫn chỉ đi theo một chiều, một chiều tiêu cực. Nhưng điều có thể kiểm soát được là tốc độ thay đổi chính sách. Và nhiệm vụ của ông Blinken trong chuyến đi lần này là đảm bảo rằng mọi thay đổi chính sách đều được tiến hành suôn sẻ và không làm chệch hướng toàn bộ mối quan hệ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Blinken cũng sẽ tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông trong bối cảnh các cuộc tấn công đáp trả lẫn nhau của Israel và Iran. Ông Blinken cho biết: "Chúng tôi bày tỏ sự quan tâm đến việc Trung Quốc sử dụng bất kỳ kênh ảnh hưởng nào mà nước này có để cố gắng thuyết phục các bên phải kiềm chế, bao gồm cả Iran".
Ngoài ra, ông Blinken cũng sẽ thảo luận về lộ trình trong 3 vấn đề chính đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí khi trong cuộc hội đàm vào tháng 11.2023. Theo đó, các nội dung bao gồm: hợp tác về chống ma túy, kênh liên lạc giữa quân đội hai nước và trí tuệ nhân tạo (AI).
Mong muốn từ Trung Quốc
Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Trung Quốc, Vụ các vấn đề Bắc Mỹ và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã bày tỏ "hoan nghênh" chuyến thăm của ông Blinken. Đồng thời, Trung Quốc duy trì sự linh hoạt trong phát triển quan hệ với Mỹ, đồng thời đề cao sự nghiêm túc trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Theo Hoàn Cầu thời báo ngày 24.4, Trung Quốc giải thích chi tiết 5 mục tiêu lớn mà nước này tập trung trong chuyến thăm này, gồm thiết lập nhận thức đúng đắn; tăng cường đối thoại; quản lý hiệu quả những khác biệt; thúc đẩy hợp tác cùng có lợi; và cùng chia sẻ trách nhiệm với tư cách các nước lớn.
Bình luận (0)