Ngoạn mục khoảnh khắc SpaceX 'tóm' tên lửa đẩy sau khi phóng phi thuyền Starship

13/10/2024 20:38 GMT+7

Hãng SpaceX của tỉ phú Elon Musk vừa phóng phi thuyền Starship trong vụ thử nghiệm lần thứ 5.

Tên lửa đẩy Super Heavy gắn liền với phi thuyền Starship đã được phóng vào khoảng 7 giờ 25 ngày 13.10 (giờ địa phương) từ căn cứ Starbase của SpaceX tại Boca Chica, bang Texas (Mỹ), theo CNN.

Sau khi phóng, tên lửa đẩy hết nhiên liệu và tách ra khỏi phi thuyền. Starship sau đó kích hoạt động cơ riêng và tiếp tục bay trong khi Super Heavy quay trở lại mặt đất.

Khoảnh khắc tên lửa đẩy Super Heavy quay về tháp phóng sau khi phóng phi thuyền Starship

Tên lửa đẩy Super Heavy tách khỏi Starship ở độ cao khoảng 74 km. Chiều cao của tên lửa đẩy là 71 m trong khi tính luôn cả phi thuyền là 121 m.

Đây là lần đầu tiên SpaceX thử nghiệm khả năng cho Super Heavy đáp xuống đất thành công. Tên lửa đẩy này có kích thước cao hơn tòa nhà 20 tầng, đã đáp thành công xuống tháp phóng và được hai cánh tay robot khổng lồ (còn gọi là đôi đũa) chụp lấy. "Điều này thật sự điên rồ!", kỹ sư Kate Tice của SpaceX hét trong video trực tiếp.

Ngoạn mục khoảnh khắc SpaceX 'tóm' tên lửa đẩy sau khi phóng phi thuyền Starship- Ảnh 1.

Khoảnh khắc phi thuyền Starship và tên lửa đẩy Super Heavy được phóng ngày 13.10

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

SpaceX đã có thể thu hồi phần đẩy của các tên lửa Falcon 9 có kích thước nhỏ hơn sau các vụ phóng vệ tinh và phi thuyền trong 9 năm qua. Tuy nhiên, các phần động cơ đẩy đó trước nay chỉ đáp xuống các dàn nổi trên biển hoặc nền bê tông trên mặt đất chứ không đáp thẳng xuống vị trí phóng và được "tóm" như lần này.

Ngoạn mục khoảnh khắc SpaceX 'tóm' tên lửa đẩy sau khi phóng phi thuyền Starship- Ảnh 2.

Khoảnh khắc cánh tay robot chụp tên lửa đẩy Super Heavy

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Phi thuyền Starship dự kiến sẽ bay sang khu vực Ấn Độ Dương, phía tây Úc và sẽ tái nhập bầu khí quyển trước khi rơi xuống nước.

Starship là phi thuyền được chính phủ Mỹ chọn để đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng sớm nhất là vào năm 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.