Nguyễn Trần Thủy Tiên là người điếc bẩm sinh. Từ nhỏ cô dùng những điệu bộ, ngôn ngữ ký hiệu trong gia đình để giao tiếp với mọi người. Khi bắt đầu đi học, nhà trường chỉ dạy nói cho người điếc chứ không dạy ngôn ngữ ký hiệu nên cô vẫn phải đeo máy trợ thính để tập nghe, tập nói. Nữ khách mời chia sẻ với MC Ngọc Lan: “Tôi không cảm nhận được điều gì về bản thân mình cả”.
Khi gặp những người điếc dùng ký hiệu để nói chuyện với nhau, Thủy Tiên đã học theo. MC Ngọc Lan ấn tượng với cách giao tiếp của nữ khách mời vì các biểu cảm trên gương mặt và hành động rất sống động. Thủy Tiên cho biết điệu bộ trên cơ thể của người điếc là bản năng và biểu cảm trên gương mặt rất quan trọng trong ngôn ngữ ký hiệu nên dù có gặp những người điếc ở nước ngoài vẫn có thể dùng điệu bộ gương mặt để truyền tải những điều mình muốn nói.
Sau khi học hết cấp 3, Thủy Tiên đã chọn ngành sư phạm tiểu học dành cho những học sinh đặc biệt giống mình. Cô đã có cơ hội nhận học bổng toàn phần của một trường đại học ở Mỹ. Nữ khách mời bày tỏ niềm tự hào vì học bổng dành cho người điếc rất ít và trường chỉ chọn 2 trong số 100 người để trao. “Việc ăn uống và thời tiết là hai điều khó thích nghi nhất khi tôi du học ở Mỹ. Còn lại, mọi thứ rất tốt”, cô kể lại.
Thủy Tiên cho biết ngành học rất phù hợp với mong muốn của mình. Và cô cam kết trở về Việt Nam sau khi học xong hai năm để phục vụ và cống hiến cho cộng đồng người điếc ở quê nhà. Nữ khách mời làm giáo viên cho một trường ở Đồng Nai và sau đó chuyển lên Đà Lạt để đồng hành cùng những học sinh đặc biệt này. Thủy Tiên nỗ lực để có thể nâng cao năng lực của những người điếc, đặc biệt là thông qua ngôn ngữ ký hiệu và những dịch vụ trong đời sống.
Sau đó, Thủy Tiên sáng lập nên Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng giáo dục vì người điếc, với mục tiêu giúp họ có một cuộc sống bình đẳng. Vì cộng đồng người điếc còn gặp rất nhiều khó khăn nên cô đã gác lại ước mơ làm giáo viên của mình để có thể hỗ trợ và giúp đỡ những người trong cộng đồng. Từ hành trình này, cô lan tỏa thông điệp: “Tuy chúng ta gặp nhiều rào cản và khó khăn nhưng chúng ta phải là người chủ động để vượt qua, để có thể hòa nhập tốt hơn vào xã hội”.
Lắng nghe hành trình của Nguyễn Trần Thủy Tiên, Ngọc Lan bày tỏ sự ngưỡng mộ. Cô nói: “Một người không có khả năng giao tiếp bằng tiếng nói, ở Việt Nam đã khó nói chuyện rồi. Khi qua một đất nước khác, khó khăn sẽ nhân lên gấp mấy lần”. Tuy nhiên, chính sự khổ luyện đã giúp nữ khách mời vượt qua những thử thách và có thể trở về giúp đỡ cộng đồng tại Việt Nam.
Bình luận (0)