Ngôi làng nhiếp ảnh độc đáo

24/10/2006 22:38 GMT+7

Cả nước Việt Nam có hàng ngàn làng nghề truyền thống nhưng có một làng nghề cực kỳ độc đáo. Đó là làng nhiếp ảnh Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Tây). Độc đáo ở chỗ, nông dân Lai Xá làm một thứ nghề không giống ai, không "truyền thống" chút nào - nghề chụp ảnh. Lai Xá cũng là nơi "phát tích" nghề ảnh ra cả nước...

Ông tổ làng nghề...

Lai Xá nằm trên con đường 32 nối Hà Nội - Sơn Tây do Cuba giúp ta xây dựng từ thập kỷ 60 thế kỷ trước. Làng có 5 xóm và một phố nhỏ gọi là Phố Lai. Đây cũng là con phố tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng. Hóa ra thành hoàng làng không phải là người thường. Ông chính là An sinh vương Trần Liễu - anh trai Trần Cảnh và là phụ vương Trần Quốc Tuấn. Nghe nói khi có xích mích với triều đình, Trần Liễu rời kinh thành lánh tạm về Lai Xá làm nhiều điều công đức, cứu giúp dân Lai Xá thoát khỏi nạn đói, từ đó được suy tôn là thành hoàng làng.

Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên nhưng linh ứng. Đó là năm Giáp Tuất (1214) là năm sinh An sinh vương. 660 năm sau - cũng năm Giáp Tuất (1874), ông Đặng Huy Trứ - người Việt đầu tiên du nhập nghề ảnh từ Trung Quốc vào nước ta qua đời. Rồi cũng năm này, ông Nguyễn Đình Khánh cất tiếng khóc chào đời tại làng Lai Xá. Năm 1890, ở tuổi 16, ông Khánh một thân một mình ra Hà thành học nghề ảnh ở hiệu ảnh Du Chương do một người Trung Quốc mở, sau 2 năm học lỏm ông đứng ra lập hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Hàng Da. Từ đây mở ra thời kỳ người làng Lai Xá "làm mưa làm gió" trong nghề ảnh. Khánh Ký chú trọng dạy nghề, đào tạo thợ nên dịch vụ nhiếp ảnh phát triển mạnh. Học trò của ông không chỉ mở hiệu ảnh ở Lai Xá, ở Hà Nội, Sài Gòn mà còn hành nghề ở Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, thậm chí ở tận châu u như hiệu ảnh Khánh Ký ở Toulouse (Pháp)... Sau này, trong Bách khoa thư Việt Nam ghi tên 4 danh nhân nhiếp ảnh thì có tên cả Đặng Huy Trứ và Khánh Ký (hai người còn lại là Võ An Ninh và Đinh Đăng Định). Như vậy, Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề ảnh vào nước ta nhưng Khánh Ký mới là người phát triển nó, vì vậy ông chính là "tổ sư" làng nghề Lai Xá.

Một phó nháy trên phố Lai

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng còn thống kê được chi tiết: Hà Nội có 33 hiệu ảnh của người Lai Xá, TP.HCM 34 hiệu, Hải Phòng 16 hiệu, còn tại Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh... mỗi nơi người Lai Xá mở 4 - 5 cửa hiệu, cửa hiệu nào cũng làm ăn có tiếng, phát đạt và nói không ngoa, từ vùng cao phía Bắc đến tận đồng bằng Nam Bộ, ở đâu cũng có người Lai Xá mở hiệu ảnh. Để nhớ gốc gác, quê hương các hiệu ảnh thường đặt chữ "Lai" lên đầu như Phúc Lai, Kim Lai, Tân Lai, Đông Lai, Đức Lai...

Chúng tôi trở về Lai Xá được nghe những câu chuyện có hơi hướng "truyền kỳ" nhưng không phải không thật. Đầu tiên là chuyện Khánh Ký sau khi mở nghề ảnh ra khắp đất nước, năm 1911 - 1912 ông sang Pháp hành nghề. Năm 1913, Raymond Poincaré đắc cử Tổng thống Pháp. Trong số hàng ngàn tay máy chụp khoảnh khắc vị Tổng thống Pháp đăng quang có Khánh Ký. Rốt cuộc, bức ảnh ông thợ An Nam chụp được đánh giá là đẹp nhất, báo chí Pháp đăng tải đồng loạt, mấy tờ còn chọn làm ảnh bìa. Cụ Đặng Văn Tích - người con Lai Xá trước từng làm ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, cuối đời lại về quê hành nghề vẽ, rửa ảnh thì kể một chuyện khác còn "truyền kỳ" hơn. Số là một người làng Lai Xá di cư sang Mỹ. Một lần, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tuyển thợ chụp ảnh, người này vượt qua hàng ngàn ứng cử viên nên được nhận vào làm việc tại CIA. Nhờ tay nghề cao, thông minh sau anh ta được nhắc lên làm một nhân vật cỡ "bự" của một tổ chức tình báo - dĩ nhiên "bự" nhất thế giới... Đúng sai của các câu chuyện trên chưa bàn, nhưng rõ ràng những người Lai Xá đã chứng tỏ được "đẳng cấp quốc tế" của họ trong nghề ảnh...

Ngôi làng của những người nổi tiếng

Cổng làng Lai Xá

Không chỉ thành đạt trên lĩnh vực nhiếp ảnh, Lai Xá đã sinh ra biết bao nghệ sĩ tên tuổi đủ mọi lĩnh vực như nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp, liệt sĩ quay phim Nguyễn Văn Giá, đạo diễn trẻ Phi Tiến Sơn, họa sĩ Nam Sơn... Đặc biệt có 2 gia đình trí thức nổi tiếng Lai Xá là gia đình ông Nguyễn Văn Đính với 3 người con đều trở thành 3 nhà khoa học nổi tiếng (Nguyễn Quang Diệu, Nguyễn Quang Quyền, Nguyễn Quý Đạo) và gia đình cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Ông Huyên được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu. Ở Hà Nội, GSTS Nguyễn Văn Huy - con trai ông làm Giám đốc Bảo tàng dân tộc học tọa lạc ngay trên con đường mang tên cha mình. Cô giáo Nguyễn Bích Hà - con gái ông Huyên cũng làm hiệu trưởng một trường học mang tên Nguyễn Văn Huyên nằm giữa thủ đô.

Lai Xá có 3 người con, ở ba thời điểm khác nhau đều ngẫu nhiên có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào những năm 1916 - 1917, khi Khánh Ký đang mở hiệu ảnh ở Paris thì cũng trùng với thời gian Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng tại Pháp. Theo cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 - 1923) (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2002) thì thời gian đầu sang Pháp, Bác được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh... trợ giúp về tài chính, nơi ở và truyền cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động. Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 5/1946 cụ Khánh Ký viết thư cho Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ngỏ ý muốn về nước nhưng không may, ngày 31/5/1946 cụ tạ thế tại Paris. Khi Bác sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Người đã dành thời gian đến viếng mộ cụ Khánh Ký như một người bạn vong niên. Người thứ hai là nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng sinh ra tại Lai Xá, sau này chuyên chụp ảnh Bác trong Phủ Chủ tịch. Và đến khi Bác mất thì bác sĩ Nguyễn Quang Quyền - cũng là người con Lai Xá là một trong số vài người Việt Nam đầu tiên được giao nhiệm vụ ướp và giữ thi hài Bác. Đó là những sự trùng lặp mang lại vẻ vang cho Lai Xá.

Có thể khẳng định Lai Xá là một trong vài ngôi làng độc đáo nhất Việt Nam. Hà Tây - đất của trăm nghề nhưng Lai Xá là làng nghề không lẫn vào đâu được. Trải qua hơn 100 năm du nhập và phát triển nghề nhiếp ảnh, Lai Xá chưa phải là làng nghề có tuổi đời lâu nhất nước Việt nhưng ngôi làng này có quyền tự hào vì nó đã "đẻ" ra một thứ nghề không có ở bất cứ làng nghề nào khác.

Đức Anh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.