Không có niềm đam mê, hứng thú với ngành học của mình, cộng với chương trình đào tạo có nhiều bất cập, đã khiến không ít sinh viên cảm thấy chới với khi ra trường.
|
Không xác định mục tiêu cuộc đời
Tại hội thảo “Định hướng nghề nghiệp công tác xã hội” diễn ra tại Trường ĐH Mở TP.HCM trong năm 2013, thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hiền thông tin: Tỷ lệ tốt nghiệp sinh viên ngành này của trường những năm gần đây chưa tới 50%. Còn thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển TP.HCM, thẳng thắn nhận xét: “Có những sinh viên thực tập không biết gì hết dù đã học hết các môn. Đó là do lúc học, các em không biết học những môn đó để làm gì”.
Trong thời gian làm giám đốc kinh doanh ở một công ty viễn thông, ông Nguyễn Lợi (ngụ tại TP.HCM) thường xuyên tuyển dụng rất nhiều sinh viên mới ra trường vào làm nhân viên kinh doanh. Với đa số ứng viên, ông Lợi đều hỏi các câu tương tự: “Mục tiêu cuộc đời của bạn là gì? Sau 1 năm nữa, bạn muốn đạt được gì?”, “Tại sao bạn học ngành kỹ thuật/ngân hàng/tài chính/kế toán mà lại ứng tuyển vô vị trí kinh doanh?”, “Bạn có đam mê với ngành mình học không?”, “Nếu cho chọn lựa lại, bạn có chọn ngành khác để học không?”...
Thông qua trả lời của các ứng viên, ông Lợi rút ra nhận xét: “Đa số họ không xác định được mục tiêu cuộc đời của mình. Không biết thật sự mình muốn gì. Nhiều người trả lời một câu rất chung chung, đó là muốn có công việc ổn định, mà không hình dung được ổn định là thế nào”.
Ông Lợi cho biết thêm, có đến 80% ứng viên tiết lộ không thích ngành mình học. Và nếu cho chọn lựa lại, họ sẽ học ngành quản trị kinh doanh, bởi ngành này dễ xin việc hơn (?!), trong khi ngành đang học giờ khó xin việc, phải quen biết mới được.
“Việc sinh viên ngồi nhầm trường, nhầm lớp xảy ra đã lâu lắm rồi, chứ không phải đến bây giờ mới có. Nhưng gần đây nó đang trở thành vấn đề nóng. Khi kinh tế khó khăn, số sinh viên ngồi đúng trường/lớp đã khó kiếm được việc làm nên sinh viên ngồi nhầm chỗ lại càng khó hơn”, ông Lợi so sánh.
Tìm việc rồi... bỏ việc
Đứng ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Dương Xuân Giao, Giám đốc điều hành Công ty phát triển nguồn nhân lực NetViet, cảnh báo: “Tình trạng bị mất phương hướng trầm trọng xảy ra ở khá nhiều ứng viên. Thậm chí, một số người không hề giấu giếm cảm giác rất thật của mình đối với nhà tuyển dụng: Tôi đang chán quá, mất phương hướng rồi!”. Theo ông Giao, điều này có một phần nguyên nhân từ việc các ứng viên không được định hướng nghề nghiệp từ đầu, từ trong gia đình, nhà trường cho đến xã hội.
Có nhiều dịp tìm hiểu thực tế cơ chế tuyển dụng ở một số quốc gia như: Mỹ, Canada, ông Giao so sánh: Biên độ chênh lệch lương giữa những nhân viên ngành kinh tế với nhân viên ngành xã hội ở những nước đó là không có hoặc không đáng kể. Cụ thể, mặt bằng thu nhập cho những người mới đi làm thường ở mức 40.000 - 50.000 USD/năm, sau đó tùy khả năng mỗi người mà nâng lên. Còn tại Việt Nam, chênh lệch thu nhập giữa các ngành trên có sự phân biệt khá rõ rệt, góp phần dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các nhóm ngành nghề.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM, nhìn nhận: Hiện nay, bức tranh kinh tế khó khăn nên đã ảnh hưởng đến những đơn vị tuyển dụng. Mức lương khởi điểm nhìn chung thấp hơn những năm trước, không thu hút người lao động. Ông Sang khẳng định, mặt bằng lương khởi điểm dành cho người lao động có trình độ ĐH, CĐ, TCCN mấy năm gần đầy không chênh lệch nhau lắm, bình quân chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Vì giá nhân công rẻ như vậy, nên một số ứng viên không mấy mặn mà đi tìm việc và giữ việc. Ông Sang trăn trở: “Rất nhiều người trẻ mới ra trường thiếu chuyên môn và những kỹ năng quan trọng. Lẽ ra, họ nên chấp nhận tốn “phí kinh nghiệm” - tức là chịu khó làm việc, để lấy kinh nghiệm trong thời gian đầu. Thế nhưng, có những ứng viên đã bỏ ngang công việc mới tìm được vì chê lương thấp”.
Gần đây, bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1, quý 1/2014 của Bộ LĐ-TB-XH công bố thông tin gây xôn xao dư luận: Tính đến cuối năm 2013, cả nước có hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012). Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, như: tình hình kinh tế, xã hội mấy năm qua khó khăn; số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế quá thừa so với nhu cầu của địa phương; các trường mở ngành học ồ ạt mà không hề tham khảo, điều tra về nhu cầu nguồn nhân lực, cứ đào tạo lấy được...
Đặc biệt, theo ông Tuấn, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. “Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng. Nhiều em lựa chọn ngành nghề theo phong trào, không lắng nghe thế mạnh của bản thân để chọn những công việc phù hợp với mình”, ông Tuấn tâm tư.
Nguyên nhân “lạc lối” trong giảng đường Với đề tài “Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành đầu vào của sinh viên và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư vấn tuyển sinh”, nhóm tác giả trẻ: Lê Anh Vi, Hồ Thị Bích, Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Bạch Thị Thanh Thanh, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đã chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “lạc lối” trong học tập. Về nguyên nhân khách quan, nhóm nghiên cứu cho rằng công tác tư vấn hướng nghiệp hiện nay thực hiện quá trễ. Theo các tác giả này, có thực tế đáng buồn là không ít thí sinh phân vân phải nên thi vào ngành mình thích hay vào ngành ở khối thi mà mình có thế mạnh? Thế nhưng, hiện nay công tác tư vấn lại quan tâm chủ yếu đến học sinh lớp 12. Ngay từ khi chọn khối học, thí sinh đã không được định hướng rõ ràng, không biết khối học sẽ có những sự lựa chọn ngành nghề nào trong tương lai, dẫn đến không ít bối rối khi chọn ngành. Bên cạnh đó, việc tư vấn nhìn chung vẫn chưa được thực hiện rộng rãi và đồng bộ… Theo nhóm nghiên cứu, có ba nguyên nhân chủ quan. Thứ nhất, do học sinh chưa đánh giá đúng năng lực, cá tính, sở thích của mình phù hợp với ngành nghề nào. Thứ hai, nhiều học sinh không có thái độ tích cực trong việc chủ động lựa chọn ngành nghề, mà chọn theo cảm hứng nhất thời, theo số đông... Thứ ba, một bộ phận không nhỏ thi trượt ngành học ở trường mình yêu thích nên nảy sinh tâm lý chán nản và chọn ngành tùy tiện. |
Ý kiến Học năm thứ tư rồi, chọn lại cũng khó ! Trước đây, tôi thích và đăng ký học công nghệ thông tin. Tuy vậy, tôi quyết định ra trường sẽ không làm ngành này bởi nhu cầu thị trường đã bão hòa. Bây giờ tôi đã học năm thứ tư rồi, nên có chọn lại ngành khác cũng không được. Hải Đăng Quá quan trọng thi đại học Hiện có nhiều bạn quá quan trọng thi ĐH và quá chú trọng vào ngành học của mình, chứ không nghĩ tới việc đầu ra có dễ kiếm việc làm hay không. Thậm chí, đã vào học ĐH, vào chuyên ngành rồi mà cũng chưa xác định được mình có thật sự thích ngành đó hay không và sẽ làm gì sau này. Đặng Dương Minh Hoàng |
Như Lịch
>> Ngồi nhầm giảng đường
>> “Ngồi nhầm chỗ”, tính sao đây?
>> Bộ GD - ĐT yêu cầu giải quyết các trường hợp học sinh "ngồi nhầm" lớp
Bình luận (0)