Vượt qua hơn 250 km đường núi khó khăn, hiểm trở, đoàn nghị sĩ Nhật Bản đến xã Ch’Ơm (H.Tây Giang, Quảng Nam) tham gia lễ khánh thành dãy phòng học mới tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Ch’Ơm...
Những nghị sĩ Nhật Bản cùng học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Ch’Ơm trong ngày khánh thành dãy phòng học khang trang - Ảnh: Diệu Hiền
|
Tấm lòng của những nghị sĩ Nhật
Sở dĩ từ thủ đô Tokyo xa xôi, các nghị sĩ Nhật dù bận rộn cũng đã bỏ 2 ngày trời di chuyển không một chút ngơi nghỉ, để có mặt tại ngôi trường vùng cao nghèo khó của Quảng Nam, là bởi những dãy phòng học mới này, được thành hình từ sự đóng góp của chính nhóm nghị sĩ xây dựng các trường tiểu học cho trẻ em châu Á của Nhật Bản. Trong đó, có sự đóng góp của Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe. Thông qua Hội hữu nghị giáo dục châu Á và Hội trợ giúp người tàn tật VN, các nghị sĩ đã cùng nhau đóng góp.
Dãy 5 phòng học khang trang mọc lên trên nền đất núi vừa được lãnh đạo huyện san lấp mặt bằng, thay cho 5 phòng học tranh tre, nứa lá trước đây là giấc mơ có thật đối với thầy trò Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Ch’Ơm. Không chỉ có vậy, nhóm còn hỗ trợ xây dựng một hệ thống nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch để đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho thầy trò trường. Tổng kinh phí cho dự án này là 75.000 USD.
“Khi khởi công xây dựng 5 phòng học này, cũng là lần đầu tiên các em học sinh và phụ huynh ở Ch’Ơm biết viên gạch là như thế nào, xi măng là ra sao? Nơi đây quá cách trở. Để xây dựng 5 phòng học trên này mọi thứ đều tốn kém gấp đôi, nên khi nhận được quyết định hỗ trợ, chúng tôi vui mừng không xiết!”, thầy Huỳnh Kim Tín, Trưởng phòng Giáo dục H.Tây Giang nói trong niềm vui mừng.
“Với mong muốn ngày càng nhiều trẻ em châu Á được học tập trong môi trường giáo dục tốt hơn, chúng tôi đã cùng nhau chung tay xây dựng rất nhiều ngôi trường ở châu Á. Và chúng tôi thực sự vui mừng vì chứng kiến cảnh những em học sinh Ch’Ơm - một nơi thực sự khó khăn, vui mừng đón nhận ngôi trường mới. 4 năm trước, khi Nhật chịu thiệt hại nặng nề do thảm họa động đất sóng thần xảy ra, khi đó, nhiều trẻ em VN đã cùng ủng hộ chúng tôi bằng tiền tiêu vặt, bằng gạo, sách vở... Và chúng tôi muốn bày tỏ sự trân trọng và biết ơn sự ủng hộ của VN thông qua hoạt động này”, ông Endo Toshiaki, nghị sĩ hạ viện Nhật Bản đại diện cho nhóm nghị sĩ giúp đỡ xây trường ở Ch’Ơm chia sẻ.
Cũng có mặt tại lễ khánh thành dãy phòng học mang đầy ý nghĩa này, ông Suzuki Kentaro, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại VN bày tỏ sự vui mừng vì đã giúp đỡ được các em nhỏ ở vùng thật sự khó khăn của Quảng Nam. “Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ VN về giáo dục và y tế, nhất là đối với những vùng còn nhiều khó khăn như thế này”, ông Suzuki Kentaro nói.
Niềm vui trong ngôi trường mới
Thầy Võ Như Hạnh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Ch’Ơm đầy vui mừng: “Nếu mọi người đến đây cách đây 2 năm, sẽ không thể hình dung ngôi trường này sẽ được xây dựng như thế nào, bởi đường đi thì khó khăn, mọi thứ đều rất chật vật mới đến được điểm trường này, huống gì chuyển vật liệu lên đây để xây dựng. Khi ông Hirosi Tanikawa, Chủ tịch Hội hữu nghị giáo dục châu Á đích thân đến trường, hứa sẽ giúp đỡ xây dựng trường, chúng tôi cũng không dám hy vọng gì nhiều. Vậy mà sau 2 năm, chúng tôi đã có được ngôi trường mới, điện cũng đã về đến với trường vào 2 tháng trước, đường đi dù còn khó khăn nhưng vẫn đỡ được nhiều phần so với trước. Thầy trò ai cũng vui mừng khi được dạy và học trong ngôi trường mới khang trang này. Chúng tôi thực sự biết ơn những người Nhật đã giúp đỡ cho nhà trường”.
Cùng với dãy phòng học mới do nhóm nghị sĩ Nhật Bản hỗ trợ, UBND H.Tây Giang cũng đầu tư xây dựng một dãy phòng học mới với tổng kinh phí hơn 7,5 tỉ đồng.
Những nghị sĩ Nhật Bản chụp hình cùng học sinh - Ảnh: D.H
|
Ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND H.Tây Giang cho hay, đây là một điểm trường vô cùng đặc biệt, không chỉ của riêng huyện mà của cả Quảng Nam. Dù ngôi trường này nằm ở vùng cao, xã biên giới Việt-Lào, nhưng lượng học trò đến trường vô cùng đông. Có đến 442 học sinh, 100% là người dân tộc C’tu đang theo học tại trường. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng vẫn cố gắng đeo đuổi việc học để kiếm con chữ, mong mỏi học tập để xây dựng quê hương.
“Lúc phòng học mới xây xong, tụi em cứ chạy ra chạy vào để ngắm, sờ, tưởng chừng là giấc mơ. Trường học mới sạch sẽ và có mùi thơm rất dễ chịu, không sợ mưa, sợ gió như phòng học gỗ trước đây!”, Bhling Thị Nem, học sinh lớp 9 của trường vui vẻ chia sẻ. “Thấy các em không còn phải ngồi trong phòng học tạm bợ, gió lùa 4 phía, là thấy vui mừng nhiều rồi”, thầy Nguyễn Văn Khương, giáo viên trường xúc động nói.
Có trường, có lớp mới, có được hệ thống nước sạch, điện... nhưng thầy trò của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Ch’Ơm vẫn không hết những khó khăn. Vào mùa mưa bão, đường đến Ch’Ơm thực sự khó khăn, thậm chí có thể bị cô lập hoàn toàn. Ngôi trường dù khang trang, nhưng 100% đồ dùng dạy học của trường đều thiếu. Đáng nói, trong trường, dãy phòng học tạm bợ trước đây giờ được trưng dụng thành phòng nội trú cho các em ở xa, khoảng 151 học sinh được ở nội trú, chen chúc mỗi giường 3-4 em. Còn 97 em phải dựng lều ở bên ngoài trường, mỗi ngày tự lo ăn, ở bằng việc mang theo gạo, muối.
“Em mong các bạn cũng được vào nội trú như chúng em, có chỗ che mưa nắng để học tập, ăn uống cũng đầy đủ hơn”, Bhling Thị Nga, học sinh của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Ch’Ơm chia sẻ.
Bình luận (0)