32 năm trước anh dân công hỏa tuyến Huỳnh Minh Cứng trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam với một mảnh bom ở ngón chân. Vết thương quái ác bắt đầu ăn dần ra khắp cơ thể, khiến anh phải lần lượt cắt bỏ hai chân và cả cánh tay trái.
|
Bi kịch gia đình lại đổ ập đến khi vợ anh không chịu nổi cơ cực đã dứt áo ra đi, để lại cho anh đứa con trai còn chưa biết đọc và người mẹ già tóc đã ngả màu sương trắng. Không nhà, không đất, không nghề nghiệp, không đồng vốn trong tay, anh chất chứa cả gia đình xuống con sông Bé, ngày ngày thả lưới kiếm ăn.
Một chiều cuối tháng 4-1990, tình cờ nhà báo Hàng Chức Nguyên bắt gặp cả gia đình bé mọn ấy đang “ngoi ngóp” trên mặt sông và đưa lên mặt báo.
Cuộc sống tiếp diễn
Chuyện về anh trở thành một sự kiện “nóng hổi”. Bạn đọc xúc động, những cánh tay của cả cộng đồng xa gần dang ra để “đón anh Cứng lên bờ”.
Dạo mới “lên bờ”, ông Bảy Cứng được địa phương cho ở tạm một căn nhà ven quốc lộ 1A để mở quán bán cà phê. Ngày ngày ông Bảy ngồi xe lăn làm nước cho khách, còn đứa con trai hơn 10 tuổi đầu cùng mấy đứa bạn đi cạy vỏ cây bán cho người ta làm củi.
Dạo đó gỗ ở miệt trên chở về kìn kịt, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau đậu san sát ngoài lộ. Tụi nhỏ tranh nhau trèo lên xe lấy xà beng cạy vỏ. Bữa nào hên mỗi đứa kiếm được cả trăm ngàn đồng. Cuộc sống lam lũ nhưng so với thời phải lênh đênh trên sông, thường xuyên chịu đói, chịu lạnh đã là quá hạnh phúc với gia đình ông Bảy.
Nhưng cái số ông vẫn chưa thôi khổ. Đứa con sớm lấy vợ, sinh con. Cháu đích tôn ông đặt tên Huỳnh Tấn Phong, với mong muốn nó sẽ như cơn gió làm thay đổi cuộc đời cha, ông nó. Nhưng trớ trêu thay, lớn lên nó cứ ốm quặt ốm quẹo, đi hết bệnh viện nọ tới bệnh viện kia người ta bảo nó bị kinh phong. Chữa trị chưa dứt thì đứa cháu nội gái thứ hai chào đời. Bao nhiêu tiền dành dụm dồn hết lo cho hai đứa cháu nhỏ cùng bà mẹ già nay ốm mai yếu, lại gặp lúc làm ăn thất bát, xe gỗ không về nữa, quán thì thưa khách dần.
Rồi đứa con dâu cũng nối tiếp mẹ chồng cuốn gói ra đi, để lại cho hai cha con ông một món nợ “lớn hơn cái nhà” cùng hai đứa con nít. Mẹ già qua đời, con dâu đi mất, hai cha con ông không chịu nổi cảnh người ta cứ kéo tới xiết nợ, hăm dọa đủ điều, cuối cùng quyết định sang lại quán, lui về con hẻm nhỏ bên hông đình làng ở ấp Tây, xã Vĩnh Phú (Thuận An, Bình Dương) để được yên ổn, dù chưa biết sống ra sao.
|
“Sống đáng với niềm tin”
Trong căn nhà áng chừng 20m2 mà ông Bảy Cứng vừa sang lại hình như không có thứ gì đáng giá hơn chiếc xe ba gác “quá đát” mà con trai ông - Huỳnh Ngọc Anh dùng để mưu sinh. Hằng ngày Anh chạy xe len lỏi trong các xóm sâu tìm mua dừa tươi. Mỗi chục dừa 12 trái mua tại vườn 35.000 đồng, chở ra bỏ mối cho quán được 45.000-47.000 đồng. Ngày nào không mưa, mua bán được 6-7 chục dừa, trừ tiền công leo hái, xăng nhớt còn lời được dăm bảy chục ngàn.
Ông Bảy Cứng kể cho khách nghe vậy chứ ông không hề than một tiếng. Ông còn bảo hồi trước, khi báo đăng hoàn cảnh của ông, bạn đọc khắp nơi chung tay đóng góp, có người còn cho ông số điện thoại, dặn khi nào nhà có chuyện thì gọi, nhưng ông thấy ngại quá. Ai cũng có công việc của họ, ông tự dặn mình không được kêu than mà phải tự lo cho bản thân. Ông không xuống sông bắt cá được nữa thì ở nhà nấu cơm, đưa rước mấy đứa cháu tới trường.
Năm ngoái đứa cháu nhỏ Huỳnh Thị Như học lớp 1 ở bên ấp Đông, ông vẫn lắc xe lăn đưa đón cháu. Nhưng trường nằm bên kia quốc lộ, xe cộ đông, qua lại khó nên năm học này ông xin chuyển trường cho cháu về ấp Tây - ở Trường tiểu học Phú Long - để tiện bề đưa đón. Còn đứa cháu lớn lên lớp 6 thì hôm nào khỏe ông mới đến coi nó học thế nào.
“Chuyện học của tôi và cha tụi nhỏ bết bát lắm, cả hai cha con cộng lại cũng chưa bằng thằng cháu lớn bây giờ. Nên thấy tụi nhỏ học được tôi khoái lắm, nó học tới đâu tôi cũng sẽ ráng đẩy cái xe này đưa nó đi” - ông Bảy Cứng tuyên bố chắc nịch.
Buổi tối cuối tháng 8, trời vần vũ. Ngồi trong nhà, ông Bảy Cứng dỏng tai ngó ra đường lớn, rồi chỉ chiếc xe lăn cũ kỹ ở góc nhà, hỏi lại tôi: “Từ đây về Sài Gòn đi bằng xe lăn này mất bao lâu vậy chú? Từ khi lên bờ (năm 1990) tới giờ tôi về đó được một lần. Lâu quá rồi không biết Sài Gòn thay đổi ra sao. Định bụng hôm nào sung sức tôi sẽ làm một chuyến xe lăn xuống đó coi sao”.
Rồi ông nói: “Trong cuộc sống, được chia sẻ là quý lắm rồi, tôi dặn lòng phải sống cho đáng với niềm tin mà người khác đã dành cho mình!”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)