Cuối tháng 3, đầu tháng 4.2017, nhiều ngư dân ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng phản ảnh đến chính quyền địa phương và ngành chức năng về sự lộng hành của các tàu giã cào ngoại tỉnh tại vùng biển địa phương. Theo đó, sau thảm họa môi trường biển, khi cá tôm bắt đầu trở lại vùng biển Quảng Trị thì tàu giã cào lập tức xuất hiện.
tin liên quan
Cá đặc sản 'lờ đờ', chết trắng bờ biển lan đến Quảng TrịSau Hà Tĩnh, Quảng Bình và TT-Huế, đến ngày hôm nay (19.4), đến lượt Quảng Trị cũng ghi nhận hàng loạt cá thể cá chết, trôi dạt vào bờ biển. Cá chết nhiều đến nỗi, rất nhiều ngư dân ra bờ biển vớt cá và tỏ ra rất hoang mang...
Trả lời Thanh Niên, các ngư dân cho biết nghề giã cào hoạt động bằng cách cho 2 tàu công suất lớn chạy song song với tốc độ trên dưới 10 hải lý/giờ và kéo theo một tấm lưới phía dưới gắn thanh sắt nặng nên có thể cào sâu tận đáy. Đặc biệt, mắt lưới của lưới tàu giã cào thường rất nhỏ để tận thu hết thảy cá tôm lớn nhỏ...
Những nơi tàu giã cào đi qua, ngoài hải sản bị mắc lưới, hệ sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cũng cạn kiệt. Chưa hết, tàu giã cào còn cuốn luôn cả lưới, ngư cụ của ngư dân địa phương đang hành nghề đánh bắt hải sản ở ven biển.
Cụ thể, ngày 29.3, 9 ngư dân thôn 6, xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong phản ảnh họ bị mất từ 7 - 40 tấm lưới mỗi người vì tàu giã cào, thiệt hại ước tính gần 100 triệu đồng. Tiếp theo, ngày 4.4, cũng tại thôn 6, xã Triệu Lăng, 24 ngư dân khác cũng cho hay sau 1 đêm “thả ngâm” lưới trên biển, họ đã mất 600 tấm lưới với tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Không chỉ ở Triệu Lăng, ngư dân ở xã Hải An, Hải Khê (H.Hải Lăng) cũng “kêu trời” khi lưới của họ bị rách tả tơi hoặc không cánh mà bay... “Hầu hết chúng tôi phải vay tiền để mua lưới, giờ lưới rách, mất thì hoặc là việc đánh bắt của gia đình phải đình trệ hoặc là lại tiếp tục vay mượn mua lại. Nhưng có lưới rồi ra thả trên biển chắc gì lại không mất nữa vì tàu giã cào?”, một ngư dân bức xúc về thiệt hại mà tàu giã cào gây ra cho ông.
Thông tin từ Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị (thuộc Sở NN-PTNT) cho hay từ năm 2009 địa phương này không cấp phép hoạt động cho tàu hành nghề giã cào. Cũng theo chi cục này, nghề giã cào ven biển theo quy định không được cấp phép; khi bị phát hiện, tàu giã cào sẽ bị xử phạt nặng, cao nhất là 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho biết đã nhận được phản ảnh của ngư dân và đang phối hợp với lực lượng kiểm ngư, biên phòng tăng cường tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận, để bắt quả tang tàu giã cào khá khó khăn vì các tàu thường hoạt động lén lút, không để lại tang chứng...
Bình luận (0)