|
Đây là lần đầu tiên được tiếp cận với tàu cá được chế tạo bằng vật liệu mới nên đã thu hút đông đảo ngư dân Quảng Ngãi đến tìm hiểu. Tàu dài 18 m, rộng 4,6 m, công suất 350 CV, tốc độ tối đa 12,5 hải lý/giờ, có thể hoạt động trong điều kiện gió cấp 7, cấp 8. Ngoài ra, tàu còn trang bị các thiết bị hàng hải, thiết bị đánh bắt hiện đại như: máy dò cá, tời thu câu… Các hầm chứa trên tàu dù có kích thước nhỏ, chỉ chứa tổng cộng được từ 3-4 tấn nhưng được thiết kế giữ nhiệt, bảo quản lạnh tốt, giúp tăng chất lượng hải sản. Tổng trị giá tàu là 7,8 tỉ đồng.
Theo Công ty TNHH tư vấn và đóng tàu Việt - Nhật, ưu điểm của tàu cá vỏ composite mà công ty giới thiệu với ngư dân Quảng Ngãi là không chỉ câu cá ngừ đại dương mà còn hành nghề chụp mực và lưới rê, đồng thời trong quá trình hoạt động với vận tốc 10 hải lý/giờ chỉ tiêu hao nhiên liệu khoảng 25 lít/giờ, tuổi thọ của tàu 30-40 năm.
Qua tìm hiểu thực tế, nhiều ngư dân Quảng Ngãi cho rằng, tàu cá vỏ composite có nhiều ưu điểm, trong đó giúp ngư dân hành nghề câu mực xà đang gặp khó khăn về đầu ra có thể chuyển đổi ngành nghề khai thác. Tuy nhiên, e ngại lớn nhất của họ là giá trị con tàu quá lớn.
|
Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi đã xét duyệt 21 mẫu tàu cho 5 nhóm nghề là câu, rê, vây, chụp và dịch vụ hậu cần ở 4 vùng biển của nước ta. Do vậy, việc giới thiệu tàu cá vỏ composite là cơ hội để ngư dân tiếp cận và chọn lựa.
Ông Yukio Kikuchi, Giám đốc dự án Yanmar - Nhật Bản, cho biết Công ty Yanmar đang xúc tiến làm việc với các địa phương ven biển miền Trung hình thành mô hình tổ, đội đánh bắt xa bờ bằng tàu cá vỏ composite. Mỗi tổ đội có 10 tàu khai thác và 1 tàu hậu cần. Để giải quyết bài toán kinh phí đóng tàu cho ngư dân, Công ty Yanmar thông qua các tỉnh lựa chọn đối tác có kinh nghiệm trong việc khai thác, thu mua hải sản phối hợp với các ngư dân góp vốn theo tỉ lệ 50/50. “Công ty chúng tôi cam kết hướng dẫn ngư dân câu mực chuyển đổi sang nghề câu cá ngừ đại dương, chuyển giao công nghệ đánh bắt và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý, giúp ngư dân VN yên tâm bám biển, làm giàu từ biển”, ông Yukio Kikuchi nói.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ra quyết định phân bổ số lượng đóng mới 189 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67 của Chính phủ cho các huyện: Bình Sơn (45 tàu), Đức Phổ (47 tàu), Lý Sơn (35 tàu), Mộ Đức (2 tàu) và TP.Quảng Ngãi (60 tàu).
Dịp này, Công ty Yanmar cũng đã giới thiệu mô hình tàu làm bằng chất liệu composite (máy chính công suất 350 CV, tốc độ trung bình hơn 11,5 hải lý/giờ, tổng vốn đầu tư hơn 6 tỉ đồng/tàu) cho ngư dân H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. (Hoàng Trọng) |
Hiển Cừ
Bình luận (0)