Các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra ngẫu nhiên 16.500 người ở độ tuổi từ 20 - 100 của bang Pennsilvanin miền Đông nước Mỹ. Kết quả là 8,7% số người thường xuyên có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.
Sau khi xem xét kỹ các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, các chứng bệnh trầm cảm, chứng béo phì, bệnh tiểu đường… là nguyên nhân gây ra bệnh ngủ ngày, còn cao hơn cả nguyên nhân về chất lượng giấc ngủ ngày hôm trước đó.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí khoa học có tên “Trao đổi chất và nội bài tiết” thì ngày nay chứng bệnh trầm cảm là nhân tố quan trọng nhất gây nên chứng buồn ngủ vào ban ngày. Những người bị chứng trầm cảm có tỉ lệ muốn ngủ ngày cao gấp hơn 3 lần những người bình thường.
Đối với những người bị chứng tiểu đường thì tỉ lệ này cũng cao hơn gấp 2 lần những người bình thường. Người bị chứng béo phì cũng có tỉ lệ buồn ngủ ngày cao hơn những người khác.
Về độ tuổi, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhóm người dưới 30 tuổi và trên 75 tuổi dễ bị chứng ngủ ngày hơn nhóm người ở độ tuổi từ 30 đến 75.
Ngoài ra, hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng ngủ ngày. Đây là kết quả mới so với những lần nghiên cứu trước đó.
Tác giả bản báo cáo còn nói, do những người nghiện thuốc thường lợi dụng chất kích thích Nicôtin có trong thuốc lá để loại bỏ chứng buồn ngủ ngày của mình, nhưng họ không biết làm như vậy lại khiến chứng buồn ngủ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Người bị mắc chứng khó thở khi ngủ (trong lúc ngủ có lúc ngừng thở) lại không bị ảnh hưởng nhiều đến độ tỉnh táo của ngày hôm sau. Kết quả này trùng với kết quả của các lần nghiên cứu trước đó.
Cuối cùng tác giả bản báo cáo nhấn mạnh, người thường xuyên có cảm giác buồn ngủ ban ngày cần tiến hành một cuộc tổng kiểm tra sức khỏe để phát hện xem mình có mắc chứng trầm cảm, chứng tiểu đường và một số bệnh khác hay không. Lời khuyên này còn dành cho cả những người bị chứng khó thở khi ngủ.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)