Cebu, thành phố lâu đời nhất và lớn thứ hai ở Philippines, chỉ sau Manila, còn được biết đến với tên gọi "Nữ hoàng phương Nam".
Một mình, lại không “thổ địa”, tiền túi không mấy dồi dào, cách tốt nhất để khám phá hết đảo Nữ hoàng là kiểu du lịch ở nhờ!
Đồi Sô cô la ở đảo Bohol - Ảnh: Thành Cao
|
Tôi quyết định tìm thông tin trên một mạng chia sẻ, nơi các thành viên có thể xin ở nhờ tại nhà của thành viên khác như một người khách, để xin ngủ nhờ khi tới đây. Có khá nhiều lời chấp thuận cho ngủ nhờ chỉ sau một tuần đăng thông tin lên trang mạng này.
Tôi cẩn thận đọc hết hồ sơ từng người, tìm hiểu người đó có được bao nhiêu nhận xét từ những người đã từng được cho ngủ nhờ trước đó, chat riêng để nói chuyện và tìm hiểu thêm. Xong, tôi quyết định chọn ở nhờ nhà Dhonie, một cậu trai trẻ, mặt mũi sáng sủa, làm công việc văn phòng và có được vài nhận xét tốt từ những người không quen biết trên mạng.
Một ngày trước khi bay qua Cebu, tôi nhắn cho Dhonie số điện thoại, thời gian và số chuyến bay tới của tôi. Tôi cũng công khai mình có bao nhiêu tiền để trang trải đến trước lúc về, nhờ nó sắp xếp cho một cái lịch trình đi lại, tham quan cụ thể và hợp lý với số tiền ấy. Không đề cập gì về tiền bạc và lịch trình, nó bảo: Chỉ cần tới Cebu, nó sẽ lo mọi chuyện.
Sau 15 phút đi xe từ sân bay nơi Dhonie đón, tôi khá ngạc nhiên vì nhà không giống như tôi hình dung trong đầu. Một quán cơm nhỏ và có rất nhiều phòng, y như phòng trọ. Không đợi tôi hỏi, nó bảo nó nghỉ việc và quyết định ra thuê phòng ở riêng, mở quán cơm này cách đây gần 2 tháng, nó làm đầu bếp, thuê thêm 1 - 2 người để phụ việc. Tới đây thì tôi hiểu, tôi sẽ ngủ ở phòng trọ trong thời gian lưu lại đây.
Nhà thờ Thánh Vitales - Ảnh: Thành Cao
|
Cái phòng trọ nó ở ngay phía sau quán cơm, nhỏ chừng 9 m. Có một cái nệm sát tường dưới đất, là chỗ tôi sẽ ngủ, một cái giường 2 tầng phía đối diện, một cái bàn đọc sách ngay góc phòng, một cái giá treo quần áo ngay cửa ra vào, và một cái kệ để linh tinh đồ, trên đó có vài con gấu bông.
Đêm đầu tiên, tôi nhờ Dhonie dẫn tôi đi quán ăn món Hoa vì tôi bắt đầu thèm đồ ăn VN, sau đó đi tham quan 2 cái nhà thờ rồi về ngủ. Nó bảo quanh đây chả có quán ăn Trung Hoa nào vì quán nào mở ra cũng dẹp hết. Người Philippines không hiểu vì không hợp khẩu vị hay vì không ưa Trung Quốc nên họ không ăn món Hoa. Có duy nhất một quán ở trong khu thương mại gần đó, nhưng đó là quán của người Đài Loan. Quán khá sang trọng nên giá cũng khá cao mà tôi thì đang phải tiết kiệm tiền, nên thôi. Tôi nhờ nó kiếm cái quán ăn nào bán đồ địa phương và giá rẻ. Tôi nghĩ cũng chỉ cần ăn cho biết và cho no thôi vì đồ ăn ở đây cũng chả có gì hấp dẫn. Philippines nổi tiếng đứng hàng nhất nhì thế giới về mức độ… ăn dở nên đừng hy vọng gì!
Nhà thờ trên đảo
Có 2 ngôi nhà thờ cổ nằm gần nhau mà du khách không thể bỏ qua khi tới Cebu. Một là nhà thờ Chánh tòa Thánh Vitales - được xây dựng từ cuối thế kỷ 16 nhưng gần như bị phá hủy trong Thế chiến 2. Nhà thờ này được xây mới sau đó dựa trên nền móng cũ vào năm 1950. Khi tôi tới, họ đang làm lễ. Dhonie là một tín đồ sùng đạo. Nó kiếm cho mình một ghế dưới cùng ngồi tham dự thánh lễ trong khi tôi men theo hành lang bên hông nhà thờ để chụp hình. Những bức tượng ở đây làm tôi mê mẩn bởi vẻ đẹp và độ tinh xảo.
Ngôi nhà thờ thứ hai nổi tiếng hơn cả, đó là nhà thờ Basilica of Santo Niño, phía trước còn lưu giữ cây thánh giá của nhà thám hiểm Magellan khi ông lần đầu tiên tới nơi này truyền đạo vào năm 1521, một biểu tượng cho sự truyền giáo của đạo Thiên Chúa tới Philippines. Bên hông trái trong nhà thờ có tượng Infant Holly Christ (tạm dịch: Hài đồng Kito vua) nằm phía sau một khung sắt và là nơi duy nhất nhà thờ cấm chụp hình.
Tôi nhờ Dhonie chỉ tôi cách tới gần được bức tượng. Nó bắt tôi hứa nếu vào trong thì không được chụp hình, rồi dẫn tôi đi vòng vèo khá xa, xếp hàng từ đầu cổng nhà thờ, gần 30 phút mới đến lượt để tới được bức tượng. Tôi tin rằng nếu tự đi, chắc chắn du khách sẽ không tài nào tiếp cận được bức tượng này. Tượng được để trong một tòa kính, đặt trong một đền thờ nhỏ bằng đá cẩm thạch trắng. Những người xếp hàng dài trước tôi tiến tới hôn lên lồng kính, vài người phủ phục dưới chân tượng. Chị mặc áo bảo vệ phải liên tục nhắc nhở để họ không làm ảnh hưởng tới những người đang chờ phía sau.
Chuyện ở biển
Lịch của ngày hôm sau dự định là đi Bohol, dành một ngày ở đảo này. Mặc dù đồi Sô cô la ở đảo Bohol chỉ được in trên mặt sau của tờ tiền 200 peso (đứng sau con sông ngầm và công viên biển quốc gia ở đảo Palawan, được in trên tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 peso) nhưng đồi Sô cô la được Cục Du lịch chọn làm biểu tượng du lịch của Philippines.
Khu vực này gồm 1.776 ngọn đồi trải rộng khắp diện tích hơn 50 km². Vào mùa hè, thảm thực vật sẽ chuyển sang màu vàng nâu giống như sô cô la nên mới được đặt tên là đồi Sô cô la. Trung bình một ngọn đồi cao từ 30 - 50 m, có dạng hình nón và có vẻ đối xứng nhau.
Để đi tới đây, khách chỉ có một lựa chọn là đi tàu. Mỗi chuyến tàu cách nhau 1 tiếng rưỡi. Muốn đi hết đảo trong một ngày phải đi chuyến tàu sớm lúc 8 giờ để 10 giờ tới được đảo. Dhonie đưa tôi chìa khóa phòng và dặn: “Tối nay có anh họ tao ngủ trong phòng này. Nếu ổng có hỏi, mày nói quen tao bên Singapore nha. Cứ nói vậy đi. Có gì mai tao giải thích sau”. Tôi lấy làm lạ. Dhonie đã không tuân thủ nguyên tắc khi cho khách ngủ nhờ là phải khai báo với người nhà. Nó bắt tôi nói dối.
Sáng, tôi tỉnh dậy thấy Dhonie và “anh họ” đang ngủ ở tầng giường bên dưới, mỗi đứa quay về một hướng, tầng trên là một đứa người làm. Tôi đoán cái chỗ tôi nằm là chỗ của nó. Nó nhường cho tôi. Sáng đó nó dậy trễ, phải đi chợ, làm đồ ăn để bán trong ngày, trễ luôn chuyến đi Bohol. Nó đề nghị dời chuyến đi Bohol sang hôm sau. Hôm nay nó sẽ chở tôi đi thuê tàu và đi lặn ngắm san hô ở mấy đảo quanh Cebu.
Biển ở Philippines chỗ nào cũng sạch và trong vắt. Nếu có khác nhau thì chỉ là chỗ nào nhiều san hô và cá hơn mà thôi. Tàu chúng tôi thuê đi cả ngày, đưa khách ra những đảo nhỏ ven Cebu. Có những đảo không có người ở. Lúc ăn trưa, sau khi đã đủ thân thiết, tôi hỏi thẳng khiến Dhonie hơi bối rối: “Mày có gì giấu tao không? Chuyện ông “anh họ” mày bắt tao phải nói dối ấy!”. “À, nó là bạn trai cũ của tao”, Dhonie lúng túng giải thích. “Nếu mày muốn nói dối, mày phải cất hình hai đứa chụp chung đi. Tao thấy trên tường còn treo một tấm. Một tấm trên bàn, mày xé mà chưa cất đi”, tôi nói.
Giữa biển, nghe chuyện của Dhonie thêm buồn: Dhonie phải bỏ nhà đi sau khi gia đình phát hiện chuyện nó yêu một chàng trai chứ không phải người khác giới. Hai đứa kiếm phòng trọ ở riêng và mở quán cơm. Quán mở ra, hai đứa chia tay vì nó thấy bạn trai không quan tâm và ủng hộ, phần vì công việc quá mệt mỏi, hai đứa gây lộn miết nên nó đòi chia tay. Bạn trai nó cũng không còn chỗ nào đi nên năn nỉ xin ở lại, hay vì chưa muốn dứt tình cũ, nó cũng không rõ. Mấy ngày ở đây, tôi không thấy hai đứa nói chuyện với nhau.
Tàu cập bến, Dhonie lẳng lặng lấy xe và chở tôi đi thăm Đài tưởng niệm Labu-Labu, gần bến tàu, rồi phóng xe như bay về nhà. Vừa về tới, nó lại xông vào bếp để làm.
Hôm rời Cebu, trên đường ra sân bay, tôi gửi Dhonie một tấm hình, là hình chụp cặp nhẫn cưới mà tình cờ thấy nó để trên bàn, kèm theo lời nhắn: “Nếu tao còn yêu ai, dù người ta tháo nhẫn, tao vẫn cứ đeo. Còn nếu hết duyên, tao sẽ… bán”. Dhonie gửi lại tôi tin nhắn: một khuôn mặt cười.
Tuần rồi, tôi nhận được tin nhắn của Dhonie, nó bảo đã bán nhẫn, bán nguyên cặp, dẹp quán ăn và đang trên đường tới Manila tìm việc, làm lại từ đầu.
Bình luận (0)