Đứa con của biển
Với nhiều người con đất Việt dù chỉ một lần được đến quần đảo Hoàng Sa để ngắm nhìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm ao ước suốt đời. Nhưng đối với thuyền trưởng Mai Phụng Lưu thì Hoàng Sa thật thân quen và gần gũi. Mỗi năm ngót nghét hơn 200 ngày ông cùng bạn chài đã có mặt tại nơi này để mưu sinh dưới đáy đại dương. Ông Lưu bộc bạch: “Hơn 24 năm vẫy vùng ngang dọc ở Hoàng Sa, tui thuộc lòng từng con nước, đường đi, nơi ở của các loài hải sản”.
Gia đình đông anh em, nghèo khó nên ông Lưu đành phải nghỉ học từ khi mới vào cấp 2. Mới 13-14 tuổi đầu, ông đã tập tành ra những gành đá san hô quanh đảo lặn mò bắt từng con cá, con tôm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Từ đó, biển gắn chặt vào cuộc đời ông như người bạn tri kỷ. Ông Lưu nhẩm tính: “Mỗi năm 10 chuyến biển, mỗi chuyến gần cả tháng trời. Tính ra tui sống lênh đênh trên biển nhiều hơn ở nhà”. Sau vài năm hành nghề lặn ở quần đảo Trường Sa, ông đưa tàu ra Hoàng Sa tìm kiếm ngư trường mới.
Cầm mấy quyển vở học sinh được ghi cẩn thận từng tọa độ cụ thể đã lặn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, ông Lưu khoe: “Thấy đơn giản như vậy nhưng để có được từng tọa độ cụ thể tui phải dò dẫm hàng chục năm trời. Đó là gia tài, là bửu bối của tui đấy”. Mỗi lần khai thác hải sâm ở vùng nào hoặc đi qua vùng có nhiều đá ngầm, ông Lưu đều chấm tọa độ, ghi cụ thể vào sổ. “Có cuốn sổ này, tui cho tàu chạy mát cà rem luôn, kể cả ban đêm”, ông Lưu nói.
Như để chứng minh, ông Lưu chỉ tay vào một tọa độ được ông gạch đỏ phía dưới, rồi nói: “Ở chỗ tọa độ này mà tàu của tui đã trúng mánh đậm hải sâm mấy chuyến biển liền đấy, với mỗi chuyến thu về 500-800 triệu đồng”. Ông Lưu kể, hôm ấy lặn xuống chừng 70m thì phát hiện ra “ổ” hải sâm nằm sắp lớp như dưa hấu trên ruộng nên chỉ cần lấy tay bốc bỏ vào vợt trong vòng hơn 10 phút đã đầy với trên 130 con. Mỗi cú lặn trong hơn 1 giờ kiếm từ 3-5 triệu đồng.
Thức ngủ ở Hoàng Sa
Sau nhiều năm “săn” hải sâm, gia đình ông Lưu trở nên khấm khá, xây được nhà, đóng tàu có công suất lớn để tiếp tục bám biển dài ngày. Đối với thuyền trưởng Lưu cũng như những thợ lặn ở Lý Sơn, quần đảo Hoàng Sa được xem như là “ngôi nhà” thứ hai, là nơi mưu sinh, lối đi-về quen thuộc. Có nhiều năm, ông cùng cánh thợ lặn đi trên tàu ăn tết cổ truyền ngay trên vùng biển Hoàng Sa. “Giờ giao thừa trên biển thật thiêng liêng. Anh em chúng tôi đều xúc động, lặng lẽ thắp hương tưởng nhớ đến tổ tiên từ hàng trăm năm trước đã giong buồm vượt trùng khơi mở mang bờ cõi nơi Hoàng Sa”, ông Lưu bồi hồi.
Trong câu chuyện kể về chuyện mưu sinh ở Hoàng Sa, ông Lưu cứ nhắc đi nhắc lại “kỷ niệm” về những ngày “ăn, ngủ” trên đảo Phú Lâm mà phía Trung Quốc đang chiếm giữ. Có thể nói, ông là “vị khách” đặc biệt, nhiều lần nhất được “mời” về đảo. Sự “thân quen” đến mức mà mỗi lần vừa đặt chân lên đảo đã có người nhận ra ngay: “Ông ngư dân này, ai mà chẳng biết!”. Thậm chí, ảnh của ông còn được treo trên tường của “phòng ngủ!”. Ông Lưu chua chát: “Chỉ trong vòng 5 năm qua, tui đã 4 lần được “mời” lên đảo rồi đấy”.
Mỗi lần nhận được tin như thế, bà Phạm Thị Lan - vợ ông Lưu vô cùng hoảng hốt bởi khoản tiền phải nộp lên đến hàng trăm triệu đồng. Chạy vạy khắp nơi mới lo đủ tiền để ông Lưu trở về nhà bình an và con tàu chỉ còn là cái xác.
|
Lần gần đây nhất, vào tháng 9.2010 vừa qua, tàu cá QNg-66478TS do ông Lưu làm thuyền trưởng, trên tàu có 9 ngư dân (trong đó gia đình ông Lưu đã có 4 người) đang hành nghề ở Hoàng Sa tiếp tục bị phía Trung Quốc “mời” lên đảo Phú Lâm cả tháng trời mới được thả về rồi lại bị nạn, “bặt âm vô tín” giữa biển khơi nhiều ngày liền khiến người thân ở đảo lòng như lửa đốt. Hôm 26.10, khi 9 ngư dân trở về đất liền an toàn, niềm vui đã vỡ òa trên khuôn mặt của những người mẹ, người vợ, những đứa con thơ.
Lão ngư Nguyễn Đảng (63 tuổi, cũng ở thôn Tây, xã An Hải) khi nói về thuyền trưởng Lưu chỉ đưa ra một nhận xét thật ngắn gọn: “Cả đời làm biển, tui chưa thấy ai gan lì như thằng Lưu. Mỗi lần ra Hoàng Sa, nó cứ cho tàu tiến thẳng đến gần sát các đảo để lặn hải sâm chớ chẳng ngán ai cả”.
Khát vọng khơi xa
Trải qua bao giông bão giữa biển khơi, thuyền trưởng Lưu vẫn vững vàng tay lái nhưng chỉ qua 4 lần bị nạn, gia đình ông đã khánh kiệt, nợ nần chồng chất. Con cái đành bỏ học đi làm thuê, ly tán tứ phương. Chiếc tàu cá QNg-66478TS, phương tiện mưu sinh duy nhất còn lại đã bị chủ nậu xiết nợ, gia đình ông Lưu trắng tay. Một thuyền trưởng can trường vẫy vùng hết Trường Sa đến Hoàng Sa, giờ phải bó gối ngồi nhà khiến ông Lưu ngày đêm đau đáu nhớ biển khơi.
Đã lâu rồi, vùng biển ven đảo Lý Sơn, ông Lưu xem như cái “ao làng” nhưng giờ mỗi sáng ông lại cầm tấm lưới ra đó lặn ngụp tìm con cá kiếm sống, hòa mình với biển, nếm vị mặn của nước biển mỗi ngày, để đỡ nhớ biển. Khát vọng biển xa vẫn luôn đeo bám trong tâm trí của ông. Ông hy vọng khó khăn của gia đình ông cũng sẽ qua. Một ngày nào đó, sắm lại được tàu, ông vẫn tiếp tục bám biển xa.
“Biển, đảo Hoàng Sa là chủ quyền của mình thì mình có quyền đến đó đánh bắt chớ có xâm phạm vào lãnh hải của ai đâu nên hà cớ gì phải lo sợ”, ông Lưu mộc mạc nói.
Ngày 30.12, tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã trao tặng bằng khen cho ông Mai Phụng Lưu vì đã nhiều năm liền kiên trì tham gia bám biển Hoàng Sa khai thác thủy hải sản, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, bảo vệ an ninh quốc gia trên biển. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)