(Tin Nóng) Những tranh cãi đã bùng lên trên hầu hết các phương tiện truyền thông trong những ngày qua khi UBND TP.HCM ra quyết định đưa người lang thang ăn xin vào các trung tâm xã hội và kêu gọi mọi người không nên cho tiền người ăn xin. Phe “cứng rắn”, chiếm số đông, thì giơ hai tay ủng hộ, nhưng phe “uỷ mị” cũng có lập luận phản bác.
|
Trước hết, nghề ăn xin là một trong những nghề cổ nhất nhân loại. Chẳng biết ở trên “thiên đường” có ăn xin hay không, chứ ở mọi xã hội, dù cỡ nước Mỹ chẳng hạn, cũng có ăn xin. Cũng như những người cực giàu, những người cực nghèo này thể hiện một phần nào đó bộ mặt của xã hội: xã hội còn nghèo, người ăn xin có vẻ nhếch nhác hơn; xã hội giàu, người ăn xin có vẻ có “tư cách” hơn, như nhiều mô tả.
Vì sao người ta cho tiền người ăn xin? Chắc chắn đó là vì lòng thương người. Hành vi đó chính là một thứ “phúc lợi tư” mang tính tự phát, khác biệt với những phúc lợi của công cộng, nhà nước. Việc cho tiền người ăn xin thể hiện lòng trắc ẩn, tính nhạy cảm xã hội, trái ngược với loại tình cảm “vô cảm” mà nhiều người kêu than là đang phổ biến trong xã hội.
Vì sao người ta không nên cho tiền người ăn xin? Có thể thấy đó là do tính “duy lý” phát triển trong xã hội. Không cho là vì không nên nuôi dưỡng thói ỷ lại không chịu làm việc, không cho vì nghĩ rằng có thể lừa đảo, có chăn dắt, vì không thay đổi được cuộc đời của họ, vì nếu làm từ thiện một cách có tổ chức thì có khả năng giúp đỡ họ nhiều hơn…
Xã hội, có lẽ như nhiều cá nhân, thường lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan khi đứng trước nạn ăn xin: không cho thì ray rứt, nhưng cho thì sợ bị lừa, sợ lòng tốt mình không đặt vào đúng chỗ. Thế cho nên khi nghe có quyết định chấm dứt nạn ăn xin, nhiều người chắc đã thở phào nhẹ nhõm.
Nhìn qua các quyết định chấm dứt nạn ăn xin của Đà Nẵng và giờ là TP.HCM, người ta có thể thấy đầu tiên đó không phải là những quyết định mang tính phúc lợi xã hội mà là xuất phát từ ý muốn cải thiện hình ảnh của thành phố trong mắt du khách. Đó là những quyết định mang tính “sĩ diện” nhiều hơn, do Đà Nẵng và TP.HCM thu hút rất nhiều du khách nước ngoài.
Những chính sách phúc lợi cho người lang thang cơ nhỡ như người ăn xin chỉ được tính toán sau đó, chẳng hạn như xây nhà tình thương, trợ cấp mỗi tháng… Những trung tâm bảo trợ xã hội có lẽ cũng chưa được xem là “mái nhà thứ hai” cho những con người này, vì chẳng có nhiều người muốn vào lưu trú lâu dài ở những nơi đó.
Và trong những “chiến dịch” tập trung những người vô gia cư đó, như đã diễn ra hơn ba tuần qua ở TP.HCM, nhiều người đã sử dụng những từ như “thu gom”, “phân loại”…, cứ như những con người ấy là một loại “ve chai xã hội”.
Cần phải thấy rằng việc dẹp nạn ăn xin cũng cần đến một lực lượng và kinh phí nhất định để hạn chế và duy trì tình trạng hạn chế này, như Đà Nẵng thì có hẳn một lực lượng với xe chuyên dụng, lực lượng túc trực, hệ thống tuyên truyền, đường dây nóng, tiền thưởng “mật báo”… Số kinh phí này có thể giúp được một số người nghèo.
Việc kêu gọi người dân không cho tiền ăn xin và nên đóng góp và các tổ chức từ thiện có thể sẽ là một điều khó được hưởng ứng. Bởi vì người dân xưa nay đa phần có thói quen giúp đỡ một cách tự phát, không tổ chức. Những hệ thống phúc lợi có tổ chức những các hội từ thiện, các trung tâm bảo trợ, nhiều khi không thuyết phục được những người thiện nguyện hay nghi ngờ, những người cho rằng nạn quan liêu và tham nhũng ở các tổ chức này là khá phổ biến trong nhiều xã hội.
Thế nên, để giải quyết tận gốc nạn ăn xin, có lẽ xã hội ta nên bắt đầu dần dần nghiên cứu, học tập các mô hình giải quyết tình trạng người nghèo khó của các nước. Bởi chẳng ai giàu mà đi ăn xin, may ra chỉ đi ăn xin mà giàu.
Đoàn Đạt
>> TP.HCM: Đưa 230 người lang thang ăn xin vào trung tâm xã hội
>> Trung Quốc: Bị chặt tay chân, móc mắt, ép đi ăn xin
>> Xôn xao vụ Công an Mỹ Tho kiểm tra cụ già ăn xin xài iPhone
>> Ông cụ bị cướp vàng muốn tiếp tục đi ăn xin
Bình luận (0)