Tôi không biết ông cụ bán báo đầu hẻm bao nhiêu tuổi và đã bán ở chỗ này bao nhiêu năm, chỉ biết khi tôi lớn lên đã thấy chiếc kệ gỗ chất đầy báo mới mỗi buổi hừng đông. Cạnh đó là chiếc bảng đen ghi những thông tin mới nhất trên các báo trong ngày. Dù nắng mưa, lũ bão, ông vẫn có mặt đều đặn dưới cái dù đen cũ kỹ cột chặt sau ba ga chiếc xe đạp đòn dông.
Điều rất lạ khiến tôi thắc mắc là những dòng chữ phấn trắng nắn nót khá đẹp trên tấm bảng gỗ bên cạnh chồng báo chỉ là những thông tin về nếp sống văn hóa, đạo đức xã hội, biển đảo quê hương, cảnh đẹp đất nước, người tốt việc tốt…, tuyệt nhiên không có dòng tin “giật gân” nào về các vụ giết người, cướp của, hiếp dâm, tội ác... Mấy tháng gần đây tôi thấy ông ghi lên những dòng chữ “phản đối Trung Quốc thành lập TP.Tam Sa”; “ngư dân bám biển”, “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo”... Ông bảo: Tôi già rồi không đủ sức đi chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương, mỗi ngày chỉ biết viết những thông tin trên để nhắc nhở mọi người chớ thờ ơ trước họa xâm lăng.
Thật xót xa khi nghe không ít người ghé mua báo bảo nhỏ với nhau hay ông cụ này có vấn đề về thần kinh chăng? Chuyện đại sự có nhà nước tính, lo chi cho mệt. Nhưng cũng thật vui khi nghe lời nhận xét trân trọng của nhiều người khác: Ông lão có tình yêu nước rất bình thường nhưng rất phi thường.
Mỗi ngày khi đi qua “sạp báo” lưu động ấy, tôi luôn dành cho ông một sự kính trọng lạ thường, những dòng chữ bằng phấn trắng của ông luôn nhắc tôi và nhiều người khác hãy tự vấn về mình về trách nhiệm trước vận mệnh Tổ quốc.
Song Anh
>> Người bán báo dạo tốt bụng
>> Máy bán báo tự động
>> Xôn xao về bản báo cáo nạn buôn người ở Anh
Bình luận (0)