Cái bóng của tổng thống
Nói bác sĩ Nhà Trắng là cái bóng của tổng thống Mỹ quả không sai. Vì theo bác sĩ E.Connie Mariano - làm việc tại Nhà Trắng trong giai đoạn 1992-2001, các bác sĩ này luôn ở trong phạm vi cách tổng thống chỉ vài bước chân.
Bác sĩ Mariano đã điều hành đơn vị y tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton (hai nhiệm kỳ, từ 1993-2001). Bà giám sát 5 bác sĩ quân y, 5 y tá, 5 trợ lý bác sĩ, 3 bác sĩ y khoa và 3 nhà quản lý, theo Đài CNN.
Với văn phòng nằm bên trong Nhà Trắng và các nhân viên lúc nào cũng đi theo tổng thống, đơn vị y tế này - gần giống như nhân viên mật vụ - có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống bằng nhiều cách như chăm lo sức khỏe tổng thống mỗi ngày hoặc tiến hành phẫu thuật khẩn cấp. Đơn vị y tế cũng chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của mọi thành viên trong gia đình tổng thống cũng như phó tổng thống và gia đình ông ta.
Ngoài ra, hơn 1,5 triệu khách của Nhà Trắng, trong đó có các nhà ngoại giao quốc tế, cũng do một tay đơn vị này chăm sóc sức khỏe, theo CNN.
Không có bất cứ tiêu chuẩn cụ thể nào để tuyển chọn bác sĩ Nhà Trắng, song nộp đơn xin vào vị trí này thì khó mà được - bác sĩ Lawrence Mohr dưới thời các tổng thống Ronald Reagan (hai nhiệm kỳ, từ 1981-1989) và George H.W.Bush (nhiệm kỳ 1989-1993) cho biết. Các tổng thống hay tự chọn bác sĩ cho riêng mình. Và sự lựa chọn của họ thường dựa vào một số yếu tố như chỗ bạn bè, thân quen, sinh sống gần đó...
Chẳng hạn, bác sĩ của Tổng thống George Washington (giai đoạn 1789 -1797) trong khi ông đương nhiệm và thời gian sau đó là James Craik, một người bạn của gia đình ông. Rất hiếm khi các tổng thống chọn bác sĩ riêng dựa trên tay nghề hoặc kinh nghiệm. Trong suốt thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19, không có bác sĩ tại Nhà Trắng.
Các tổng thống thường dùng bác sĩ gia đình, bác sĩ quân đội và dùng tiền túi để trả công cho bác sĩ. Đến giữa thế kỷ 19, những ông chủ Nhà Trắng mới bắt đầu tin tưởng vào các dịch vụ y tế của chính phủ. Trong hai thập niên qua, tất cả các bác sĩ mới của Nhà Trắng đều xuất thân từ quân đội.
Vị trí chiến lược
“Đơn vị y tế Nhà Trắng phát triển theo thời gian và đã được chính thức hóa trong 15 - 20 năm qua”, bác sĩ Mariano cho biết. Trung tâm đầu não cho việc chăm sóc y tế trong Nhà Trắng kể từ thời Tổng thống Herbert Hoover (nhiệm kỳ 1929-1933) là một phòng mạch nằm bên cạnh Map Room (từng là Phòng Tình huống trong Thế chiến II, hiện là nhà chính của tổng thống Mỹ) và gần cầu thang máy tổng thống thường dùng để đi từ chỗ ông ở đến Khu Tây. Bác sĩ Mariano tiết lộ thêm: “Nó nằm ở vị trí tuyệt đẹp vì chắn ngang cầu thang.
Do đó, tổng thống và gia đình ông thường hay đi ngang qua”. “Chúng tôi chào tổng thống mỗi ngày khi ông ta rời cầu thang máy”, bác sĩ John Hutton phục vụ thời Reagan cho hay. Robert Gilbert, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northeastern ở Boston, tin rằng vị trí của đơn vị y tế Nhà Trắng đóng vai trò lớn trong việc duy trì sức khỏe gia đình tổng thống. “Phòng bác sĩ tọa lạc một nơi mà tổng thống đi ngang qua mỗi khi đến Phòng Bầu dục hoặc từ đó về. Vì thế, bác sĩ có thể nhìn thấy tổng thống và biết được tổng thống hôm nay khỏe mạnh hay mệt mỏi”, ông Gilbert quả quyết.
Bác sĩ Mariano nói rằng phòng mạch Nhà Trắng cũng giống như phòng mạch của các bác sĩ bình thường, có khác là do địa chỉ “danh tiếng” của nó (tức nằm trong Nhà Trắng). Phòng mạch này có nhiều phòng khám cá nhân, có đầy đủ các loại thuốc cơ bản... “Nó giống như một trung tâm cấp cứu thu nhỏ”, Mariano nói. Chuyên cơ Air Force One cũng có các thiết bị y tế khẩn cấp, bao gồm một bàn mổ, đèn hỗ trợ mổ, được cất trong các ngăn máy bay và trong trường hợp cần thiết có thể đem ra lắp đặt tại phần trung tâm máy bay.
Chịu áp lực cao
Theo những người trong ngành, tố chất mà những ai muốn trở thành bác sĩ Nhà Trắng phải có là sở hữu thần kinh thép. Vì lý do chính trị, các bác sĩ Nhà Trắng phải chịu áp lực cao trong việc bảo đảm sức khỏe tổng thống. Họ luôn phải túc trực bên tổng thống 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, kể cả khi tổng thống đi công du nước ngoài. Vì nơi nào có tổng thống thì nơi đó trở thành địa điểm nguy hiểm. Hiểm nguy luôn rình rập xung quanh tổng thống và vai trò của bác sĩ Nhà Trắng là ở gần bên tổng thống và luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất.
Một thách thức lớn khác mà các bác sĩ Nhà Trắng phải đối mặt là cân bằng giữa quyền giữ bí mật của tổng thống và quyền được biết về sức khỏe tổng thống của công chúng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lawrence Mohr, quyết định về việc có công bố thông tin sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng hay không đều phụ thuộc vào tổng thống.
Thông thường, các thông tin về cơn đau ốm của tổng thống Mỹ có thể tác động đến bình diện ngoại giao thế giới, chính sách công và nền kinh tế. “Các tổng thống thường thu hút sự chú ý của công chúng. Cuộc sống riêng tư của họ liên tục bị soi mói”, Jerrold Post - Giám đốc Chương trình tâm lý chính trị tại Đại học George Washington - nói.
Chẳng hạn, tin tức về cơn đau tim của Tổng thống Dwight D.Eisenhower (1953-1961) vào một ngày thứ bảy năm 1955 đã khiến chỉ số Dow Jones sụt giảm tới 6,5% trong ngày thứ hai sau đó. Hay như thông tin mù mờ về tình trạng sức khỏe của Tổng thống Reagan vào năm 1981 đã thúc đẩy các kế hoạch ngăn chặn những phản ứng tương tự của thị trường. Thị trường chứng khoán ở New York phải đóng cửa giao dịch và Bộ Tài chính thông báo kế hoạch mua lại USD để duy trì sự ổn định của đồng USD tại nước ngoài.
Điều khoản bổ sung thứ 25
Nhưng việc gì sẽ xảy ra nếu tổng thống không thể tiếp tục công việc của mình? Sau khi bị đột quỵ vào năm 1957, Tổng thống Eisenhower đã đẩy nhanh việc chuyển giao quyền lực tạm thời cho phó tổng thống theo Hiến pháp. Sau đó 10 năm, điều khoản bổ sung thứ 25 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn, phác thảo việc tiếp quản quyền lực tại Nhà Trắng và quyền ủy nhiệm cho phó tổng thống đảm trách mọi việc nếu tổng thống bị mất hành vi năng lực.
Phòng mạch bác sĩ tại Nhà Trắng năm 1992 - Ảnh: Whitehousemuseum |
Việc áp dụng điều khoản này có thể đặt các bác sĩ Nhà Trắng vào tình huống khó chịu. “Bác sĩ sẽ có trách nhiệm với ai? Người (tổng thống) mà ông đang điều trị? Người tiếp quản chức tổng thống? Công chúng Mỹ hay đồng thời cả ba?”, ông Post đặt vấn đề. Ngoài ra, giới sử học và báo chí sẽ soi mói các quyết định của bác sĩ riêng của tổng thống và những người khác trong việc đối phó với các tổng thống ốm đau. Chẳng hạn, một số nhà sử học đã chỉ trích chính quyền Reagan khi không áp dụng điều khoản bổ sung trên khi tổng thống này phải trải qua ca phẫu thuật.
Khi kế nhiệm Reagan, ông George H.W.Bush đã thành lập các kế hoạch đề phòng bất trắc nhưng không bao giờ dùng đến. Tổng thống Clinton cũng lên kế hoạch dùng tới điều khoản thứ 25 nếu ca mổ điều chỉnh dây chằng cho ông cần gây mê, song cuối cùng đã không phải dùng tới biện pháp này.
Tổng thống George W.Bush (2001-2009) đã phải dùng tới điều khoản trên khi ông trải qua ca soi ruột kết vào ngày 29.6.2002. Thủ tục này cần ông sống trong tình trạng hôn mê vài giờ. Do đó, ông Bush đã viết các lá thư gửi đến Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert và Thượng nghị sĩ Robert Byrd của bang West Virginia để chuyển giao quyền lực cho Phó tổng thống Dick Cheney.
Và ông Bush đã tiếp quản lại chức tổng thống chỉ vài giờ sau đó. Theo bác sĩ Mariano, chính bác sĩ riêng của tổng thống là người đứng đằng sau những quyết định tối quan trọng của tổng thống. Những bác sĩ này có quyền gây ảnh hưởng đến cuộc sống của tổng thống và của cả quốc gia. “Đây là bệnh nhân không giống như những bệnh nhân khác. Quyết định của họ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người”, bác sĩ Mariano đúc kết.
Châu Yên
Bình luận (0)