HĐND TP.HCM quyết định chi hỗ trợ cho người làm mồi để dụ muỗi đến bắt và người đi bắt muỗi đêm với mức hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm, chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi với mức bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Vì sao lại bắt muỗi đêm?
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để phục vụ giám sát, điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét, nhân viên chuyên trách có thể dùng "mồi người" trong và ngoài nhà, soi đèn ở chuồng gia súc ban đêm, soi đèn trong nhà ban ngày kết hợp các dụng cụ khác như ống nghiệm, máy hút,... để bắt muỗi.
Chia sẻ với Thanh Niên, Thạc sĩ Mai Xuân Phán, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính (HCDC) cho hay, nhân viên chuyên trách sẽ phải xuống các địa điểm giám sát, khảo sát muỗi định kỳ. Muỗi thường sống ở những khu vực như gần bìa rừng, chuồng gia súc,….và thường xuất hiện nhiều vào ban đêm.
Hiện tại nhiều nơi đã khuyến khích việc dùng máy hoặc mồi để bắt muỗi nhưng để linh động nhóm bắt muỗi ở HCDC vẫn áp dụng biện pháp "mồi người". Người làm mồi để bắt không được dùng thuốc chống muỗi, xà bông, nước hoa,…
"Do nhiệt độ và mùi cơ thể người có thể thu hút muỗi đến hút máu nên biện pháp "mồi người" được sử dụng. Để đánh giá tình hình dịch bệnh và có thể đưa ra những cảnh báo trong công tác phòng chống dịch bắt buộc phải có những chỉ số về muỗi. Việc bắt muỗi được coi là công tác bước đầu, rất quan trọng. Sau khi lấy mẫu và phân tích loại muỗi mới đưa ra những kết luận, cảnh báo chính xác", ông Phán chia sẻ.
Đặc biệt, theo ông Phán việc bắt muỗi đêm chỉ phục vụ cho việc nghiên cứu bệnh sốt rét chứ không phải sốt xuất huyết như nhiều người thường hiểu. Người bắt muỗi phải đến những địa điểm đã từng xuất hiện dịch sốt rét để giám sát và đánh giá lại. Ở TP.HCM, hai nơi từng có dịch sốt rét là H.Cần Giờ và H.Nhà Bè. Hàng tháng, nhân viên chuyên trách sẽ đến đây bắt muỗi 2 lần.
"Đối với bệnh sốt rét có các loài muỗi mang ký sinh trùng gây bệnh cho con người. Nếu người bắt để cho muỗi đốt nhiều và đốt lâu sẽ tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Vì vậy, người bắt cần phải được hướng dẫn để có kinh nghiệm bắt đúng loài muỗi và bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Khi làm công việc này, mọi người thường phải sử dụng thuốc phòng ngừa", ông Phán cho hay.
Bắt muỗi đêm cũng là niềm vui giúp cộng đồng
Gắn bó với việc bắt muỗi 12 năm nay, ông Phán luôn suy nghĩ thực hiện công việc này cũng là cách góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Công việc bắt muỗi cũng "mang lại nhiều niềm vui" cho bản thân và đồng nghiệp.
"Nhiều khi cả nhóm bắt xong thấy chân người nào cũng sưng lên liền hỏi vui: "sao chân hôm nay đẹp quá vậy?" ông Phán nói.
Cũng theo ông Phán, nếu nói bắt buộc phải nhân viên y tế hoặc người có trình độ mới bắt được muỗi là không đúng. Ai cũng bắt được muỗi nhưng muỗi phải còn sống, nguyên vẹn và phải biết loài muỗi cần bắt mới đạt yêu cầu để lấy mẫu phân tích.
"Nhiều khi vẫn bắt nhầm vì bề ngoài nhiều loài muỗi khá giống nhau. Chỉ khi soi bằng kính hiển vi mới phát hiện loài nào. Người dân bắt muỗi cần phải tham gia những lớp tập huấn, hướng dẫn để bắt đúng các loài muỗi theo yêu cầu", vị phó khoa phân tích.
Những người đi bắt muỗi đêm "chuyên nghiệp" hiện này là thành viên của Tổ côn trùng ở HCDC. Tổ có 7 người cùng với sự hỗ trợ của những người khác của HCDC. Khi bắt, họ sẽ cắt cử người làm mồi, người soi đèn, người mang dụng cụ thí nghiệm.
Ông Phán thông tin, người dân muốn làm "nghề" này vẫn có thể đăng ký với HCDC và bắt buộc trải qua các khóa học, tập huấn về chuyên môn để nhận biết được các loại muỗi và cách bảo vệ mình.
Trước đây, người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo quy định tại Mục c, Khoản 3, Điều 5 thông tư 26/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, hiện nay thông tư nói trên hết hiệu lực nên TP.HCM đưa ra đề xuất hỗ trợ và vừa được HĐND thông qua.
"Nếu không có sự hỗ trợ chúng tôi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên sự hỗ trợ này sẽ khích lệ tinh thần, động lực để mọi người hoàn thành công việc", ông Phán bày tỏ.
Ông Phán khuyến cáo, người dân cần chủ động, thường xuyên thực hiện các biện pháp để phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ không để muỗi sinh sản và phát triển. Nếu có triệu chứng bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị và ngăn ngừa việc lây nhiễm.
Bình luận (0)