Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng - Kỳ 17

22/10/2006 23:46 GMT+7

* B29 - tổ chức tuyệt mật giữa Hà Nội Câu chuyện về B29 lẽ ra là một câu chuyện độc lập, vì hoạt động của nó rộng hơn hoạt động của Ban Tài chính đặc biệt, nhưng vì chuyện ông Ba Châu không tách rời hoạt động của B29 nên chúng tôi tạm đưa vào đây để bạn đọc tiện theo dõi.

Ông Ba Châu nhắc đi nhắc lại tôi phải gặp ông Nguyễn Nhật Hồng, rằng chính ông Hồng là người trực tiếp điều khiển B29 ở Hà Nội, rằng sau này cũng chính ông Hồng là người đầu tiên có những cú "xé rào" ngoạn mục vào "đêm trước đổi mới". Theo chỉ dẫn của ông Ba Châu, tôi đến nhà ông Nguyễn Nhật Hồng. Ông là Trưởng bộ phận B29 hồi chiến tranh, sau chiến tranh ông làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Vietcombank TP.HCM, tiếp đó làm Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho đến khi nghỉ hưu năm 2000.

Đã 74 tuổi, nhưng ông Hồng còn rất khỏe mạnh với phong thái thật hào sảng. Ông kể chuyện mạch lạc, phân tích đến ngọn nguồn từng sự việc kèm theo những con số chắc như đinh đóng cột. Ông bảo việc này giờ không còn là bí mật nữa, ông nói hết cho tôi biết sự thật, còn viết như thế nào thì "tùy sự khôn khéo và nhạy cảm của nhà báo".

"Tổ chức đó đầu tiên gọi là Bộ phận cơ yếu nằm trong Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, do ông Mai Hữu Ích (Phó chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương, thành viên Ban Chi viện miền Nam) tham mưu lập ra theo lệnh của ông Phạm Hùng. Là tổ chức bí mật, nhưng còn gọi là cơ yếu thì ai cũng biết nó bí mật, nên phải đặt cho nó cái tên là B29. B là chiến trường miền Nam, còn 29 là số điện thoại bàn làm việc của tôi, đơn giản vậy thôi. B29 đặt tại Ngân hàng Ngoại thương, ngân hàng này lại nằm trong Ngân hàng Nhà nước, nhưng ngay cả Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước cũng không biết nó làm việc gì. Ông Phạm Hùng (sau đó là ông Lê Thanh Nghị) chỉ đạo B29 thông qua ông Mai Hữu Ích, ông Mai Hữu Ích chỉ đạo tôi, khi ông Mai Hữu Ích đi vắng ông Phạm Hùng hoặc ông Lê Thanh Nghị chỉ đạo trực tiếp tôi", ông Nguyễn Nhật Hồng mở đầu câu chuyện.

Theo ông Hồng, đây có lẽ là tổ chức độc đáo nhất trong lịch sử hoạt động tiền tệ của nhân loại. Là một cái phòng "bé tí tẹo", ban đầu chỉ có 3 người thôi, nhưng nó được phép sử dụng danh nghĩa hợp pháp của Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Nhà nước trong nghiệp vụ ngoại hối. Nó còn sử dụng cả mạng lưới đại lý của ngân hàng ở nước ngoài, sử dụng mạng lưới thương nhân trong và ngoài nước, rồi phối hợp với Ban Tài chính đặc biệt Trung ương Cục để tiếp nhận, chuyển đổi, kinh doanh, và cung cấp cho chiến trường. Ông Hồng nói: "Toàn bộ tiền viện trợ và tiền giúp đỡ của quốc tế cho Việt Nam đánh Mỹ đều tập trung về một đầu mối là B29". Đưa tôi xem một tập giấy tờ cũ, ông Hồng nói tiếp: "Từ 1965 đến 1975, B29 đã tiếp nhận sáu trăm bảy mươi tám triệu bảy trăm ngàn đô la Mỹ (số tròn), trong đó hơn sáu trăm hai sáu triệu đô la là tiền viện trợ đặc biệt, hơn hai mươi bốn triệu đô la là tiền của các tổ chức và nhân dân quốc tế ủng hộ, gần 21 triệu đô la là tiền lãi kinh doanh chuyển đổi và gửi ngoại tệ ở nước ngoài, gần bảy triệu rưỡi đô la là lãi từ tiền dự trữ của chiến trường sau giải phóng...".

Địa bàn quốc tế của B29 đã lồng vào địa bàn quan hệ thanh toán của Ngân hàng Ngoại thương, tại thị trường tư bản có Paris, Hong Kong, London, Vientaine, Rome, Bruxelles, Tokyo, Phnom Penh, Stockhome, Zurich..., tại thị trường XHCN có Moscou, Berlin, Bắc Kinh, Quảng Châu. Tại đây, các ngân hàng là đại lý của Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tài khoản tiền gửi ngoại tệ tự do chuyển đổi với kim ngạch rất lớn, chủ yếu là vốn của B29 dự trữ để thực hiện thanh toán đặc biệt và kinh doanh ngoại hối. Có một số ngân hàng tại các nước tư bản biết rõ nghiệp vụ này là góp phần chuyển viện trợ quốc tế cho miền Nam chống Mỹ nhưng họ đã tự giác bảo mật chuyện đó.

Hằng năm, B29 tiếp nhận dự trù ngân sách từ các chiến trường và tổng hợp báo cáo trực tiếp cho Phó thủ tướng phụ trách (ông Phạm Hùng hoặc ông Lê Thanh Nghị). Sau khi được duyệt, B29 có trách nhiệm chuyển tiền vào miền Nam. Ông Nguyễn Nhật Hồng nói: "Đưa vào bằng cách nào? Đầu tiên là bằng AZ, AK, AR, AB. Nghĩa là sao ? AZ là đổi đô la Mỹ thành tiền Sài Gòn rồi đưa vào. Tương tự, AK là đổi thành tiền kip Lào, AR là đổi thành tiền riel Campuchia, AB là đổi thành baht Thái Lan, chuyển vào các chiến trường có nhu cầu thích hợp với từng loại tiền. Việc đổi tiền này được thực hiện tại Hồng Kông, rồi đưa tiền về Quảng Châu, từ Quảng Châu đưa về Hà Nội, từ Hà Nội chuyển đến các chiến trường miền Nam. Sau này, khi đã dùng AM (A: ký hiệu của đô la Mỹ, M: tiền mặt) thì phương pháp này không dùng nữa, nên gọi chung là FC (nghĩa là phương pháp cũ, viết tắt), còn FM (phương pháp mới, viết tắt) thì chỉ khi ông Ba Châu vào Nam mới bắt đầu thực hiện được. Chính tôi đã làm việc với ông Ba Châu suốt hai tháng trời khi ông ấy còn ở Hà Nội để thống nhất nghiệp vụ làm phương pháp này, thời gian đó ông ấy đã bị "quản thúc" không được đi đâu hết để giữ bí mật. Hồi đó dự định "cấy" một người nữa, là ông Năm Hải (Trần Quang Bút) vào Đà Nẵng để phục vụ cho Khu 5, nhưng ông Năm Hải "hạ sơn" ba lần không vào được". (Còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.