Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng - Kỳ 20

25/10/2006 23:27 GMT+7

*Cửa hàng kiều hối "một năm một" Ông Nguyễn Nhật Hồng nhớ lại: "Lúc đó là tháng 8.1980. Tôi hướng dẫn Xí nghiệp dệt Thành Công lập phương án, tính toán đầu vào toàn bằng ngoại tệ. Tôi duyệt cho họ vay 180 ngàn đô la Mỹ, trong đó 120 ngàn đô la mua 40 tấn sợi, 60 ngàn đô la mua phụ tùng máy móc và phụ liệu. Kết quả họ sản xuất được 120 ngàn mét vải Oxford đem bán. Xong thương vụ đó họ trả hết nợ, còn lãi 82 ngàn đô la".

Vụ đó làm thành công, Vietcombank trung ương biết chuyện nhưng làm thinh không hạch sách. Từ chỗ không hạch sách, họ tiến tới chấp nhận.  Ông Hồng nói đến cuối năm 1980 ông lại hướng dẫn Xí nghiệp dệt Thành Công lập phương án vay tới 1,7 triệu đô la, nhiều hơn 10 lần so với đợt trước. Phương án này mang ra Vietcombank trung ương xin duyệt. Vietcombank trung ương phê duyệt luôn và giao cho Vietcombank thành phố thực hiện. Số tiền này họ nhập được 650 tấn sợi, 20 tấn hóa chất làm thuốc nhuộm cùng một số phụ tùng... Lại sản xuất hàng đem bán, lại có tích lũy. Từ đó sản xuất phục hồi và phát triển. Đến cuối năm 1981, Thành Công đã tích lũy được 1,3 triệu đô la và lên 2,5 triệu đô la năm 1982. Sang năm 1985, sản lượng của nhà máy lên tới 8,3 triệu mét vải, gấp 3,3 lần năm 1980.

Vấn đề là, vải thì bán trong nước, thu bằng đồng  Việt Nam, Xí nghiệp Thành Công lấy đô la đâu trả nợ ? Ông Hồng nói: "Hồi đó hàng loạt các đơn vị thiếu tiền mua hàng xuất khẩu, bà con nông dân lại thiếu vải. Xí nghiệp bán vải này cho các đơn vị làm xuất khẩu, các đơn vị này mang vải đổi nông sản, hải sản với nông dân; nông sản, hải sản đem về chế biến xuất khẩu lấy ngoại tệ trả cho xí nghiệp, xí nghiệp có ngoại tệ trả cho ngân hàng. Vải còn được "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán cho công ty du lịch, công ty này bán cho khách nước ngoài thu ngoại tệ. Thông qua mấy anh kia, tôi thu hồi ngoại tệ của xí nghiệp. Từ thành công đó, việc cho vay triển khai rộng ra, rất sôi nổi. Tôi cho nhiều đơn vị vay lắm: Cho Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội vay ngoại tệ để thực hiện kế hoạch 65 triệu bao thuốc trong 40 ngày, cho Vietronic Biên Hòa vay nhập linh kiện sản xuất TV, rồi  Bột giặt Viso, Công ty thuốc sát trùng và phân bón miền Nam, rồi Liên hiệp khoa học sản xuất in (Liksin), cái máy tách màu điện tử đầu tiên của đơn vị này là từ vốn vay của Vietcombank... Từ xé rào, phá rào làm chui, tiến tới phổ biến. Đã có hàng trăm cơ sở của thành phố, của các quận, huyện đã được Vietcombank TP.HCM cho vay ngoại tệ, cấp quyền sử dụng ngoại tệ, rồi bảo lãnh mua hàng trả chậm. Sau này, khi ông Sáu Dân ra làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông rất ủng hộ cách làm của Vietcombank. Ông thường xuống các tỉnh Nam Bộ động viên, tháo gỡ cho sản xuất, nhiều lần ông gọi tôi cùng đi để tính toán cân đối ngoại tệ hỗ trợ các tỉnh".

Ông Nguyễn Nhật Hồng kể tiếp: "Kiều hối là một nguồn ngoại tệ quý giá, hồi đó chưa nhiều như bây giờ nhưng mỗi năm số tiền Việt kiều gửi về cho gia đình cũng lên đến hàng trăm triệu đô la. Theo quy định lúc đó, kiều hối chuyển qua ngân hàng người thân đến nhận bằng tiền Việt Nam với tỷ giá thấp xa so với tỷ giá trên chợ đen, còn thủ tục thì rất nhiêu khê. Bởi vậy người ta ít chuyển qua ngân hàng mà tìm cách chuyển bằng con đường khác, Nhà nước không tận thu được nguồn ngoại tệ quý giá này. Chúng tôi đề nghị nâng tỷ giá lên, nhưng Chính phủ không đồng ý. Không thể ngồi yên chấp nhận sự vô lý này, tôi đề nghị mở Cửa hàng kiều hối. Xin ý kiến lãnh đạo thành phố, ông Sáu Dân, Bí thư và ông Mai Chí Thọ, Chủ tịch, đồng ý ngay".

Cửa hàng kiều hối là sáng tạo độc đáo. Đó là một nỗ lực khôn khéo để thoát khỏi sự ràng buộc của các quy định lỗi thời trong khi buộc phải chấp nhận nó. Hoạt động của nó là gì? Tại đây có bán vải của Thành Công, thuốc lá Vĩnh Hội, bột giặt Viso..., nói chung là các sản phẩm của các đơn vị có quan hệ tín dụng với Vietcombank. Hàng ở đây được bán với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường tự do. Người nhận kiều hối sẽ được cấp một cái phiếu, cầm phiếu này đến đây sẽ được mua hàng. Lúc đó, vải Oxford của Thành Công là số 1. Hàng hóa giá rẻ đó thực chất là để bù cho tỷ giá chênh lệch mà người nhận kiều hối bị thiệt. Việc "bù chênh lệch" như vậy đã thúc đẩy lượng kiều hối chuyển qua ngân hàng nhiều hơn. Nguồn ngoại tệ này sẽ được quy đổi và phân bổ cho các xí nghiệp để trả nợ ngân hàng. Cách làm này khiến cho Nhà nước lợi, ngân hàng lợi, người nhận kiều hối lợi. Ông Nguyễn Nhật Hồng nhớ lại: "Cách làm này rất hiệu quả. Các tỉnh đem về áp dụng. Hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Nhưng được một năm, Chính phủ ra chỉ thị dẹp các cửa hàng này. Một vị lãnh đạo ở Trung ương mắng tơi bời khói lửa: "Các anh mất lập trường, đi theo con đường tư bản, làm lợi cho tư bản". Đó là chỉ thị 151, anh em gọi đùa cái cửa hàng này là cửa hàng “một năm một”, nghĩa là cái cửa hàng này sống đúng một năm".

(Còn tiếp)
H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.