Vay thương mại còn không được, nói gì ưu đãi!
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ngành chăn nuôi đang teo tóp nhanh chóng. Cách đây 10 năm, VN có 10 triệu hộ chăn nuôi, 3 năm trước còn lại 4 triệu hộ thì nay chỉ còn không tới 2 triệu hộ. Không những vậy, nhiều cơ sở chăn nuôi khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Đặc biệt, hầu hết các hộ, trang trại chăn nuôi không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi lãi suất 2% từ ngân sách theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Hương Vĩnh Cửu (Đồng Nai) - chủ một chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, cho biết: Đang có 2 khoản vay ngắn hạn tại 2 ngân hàng với lãi suất 9,5% và 12,6%.
"Vay vốn thương mại bình thường còn muốn không được nữa thì nói gì tới ưu đãi hay lãi suất thấp. Vốn ưu đãi, nói đơn giản là không thể tiếp cận. Mà với lãi suất như tôi đang vay thì làm gì cũng khó", bà Hương chán nản.
Từng là chủ một trong những trang trại gà lớn nhất tỉnh Đồng Nai, nhưng tổng đàn từ hơn 2 triệu giảm chỉ còn hơn 200.000 con, ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Minh, "kêu trời" khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao còn giá bán thì cứ như tụt dốc không phanh. Điều này dẫn đến việc càng nuôi càng lỗ và rất cần tiếp cận vốn giá rẻ để tiếp tục duy trì hoạt động.
"Chúng tôi rất vui mừng với gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên khi chúng tôi tiếp cận với các ngân hàng thì họ yêu cầu rất nhiều tiêu chí. Ví dụ, doanh thu và lợi nhuận của năm 2022 phải tăng trưởng tốt hơn năm 2021. Mà trong năm 2021 do giãn cách xã hội, các ngân hàng cũng siết tín dụng. Các khoản nợ đến hạn khi trả xong lại không được vay tiếp với lý do hết room. Điều này cũng giống như khi anh có thóc thì ngân hàng mới cho mượn gạo. Nhưng nếu tôi đã có thóc rồi thì còn cần mượn gạo làm gì nữa", ông Tuấn bức xúc.
Ông Tuấn cho biết: Hiện tại để có vốn lưu động duy trì hoạt động, có tiền mua thức ăn cho đàn vật nuôi, ông phải thực hiện các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng thương mại từ 9 - 12%. "Các ngân hàng giải thích họ cũng là doanh nghiệp, cần phải đảm bảo đồng vốn và kinh doanh có lãi. Họ nói như vậy thì mình cũng im lặng chấp nhận thôi", ông Tuấn chia sẻ.
Không chỉ ở Đồng Nai mà đó là tình cảnh chung của những người làm nghề chăn nuôi. Ông Trần Thiện Thảo, chủ trang trại ở xã Bồ Đề (H.Bình Lục, Hà Nam), ngán ngẩm: "Nếu giá cám chỉ tầm 250.000 đồng/bao 25 kg như thời điểm trước thì người chăn nuôi có lãi, chứ giá này đúng là không có cách gì. Ngân hàng không dám cho vay, đại lý, công ty giờ người ta cũng sợ không cho mình mua nợ nữa. Chỉ có cách vay mượn anh em họ hàng, nhưng khổ nỗi ai cũng đang dính vào trại heo cả. Tổng cộng đàn heo của tôi hơn 300 con, trung bình cứ mỗi ngày thức dậy là mất 7 triệu đồng tiền cám. Thời điểm này bán 200 con heo thịt lỗ 1 triệu đồng/con, 100 con nái lỗ khoảng 800.000 đồng/con".
Cứu nguy cho chăn nuôi
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nói thẳng: Gần như các công ty, trang trại hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Ngay cả chấp nhận quy luật của thị trường - lời ăn và lỗ thì cầm "sổ đỏ", nhưng lúc này gần như không thể tiếp cận ngân hàng. Vì thế, nhiều lúc nhìn đàn vật nuôi đói, không ít cơ sở phải vay mượn nóng mua cám khiến khó khăn càng chồng chất.
"Ngành chăn nuôi đang rơi dần vào tay các doanh nghiệp FDI. Chúng tôi mong người chăn nuôi VN vẫn còn được giữ một phần thị trường. Đó là công việc mưu sinh của chúng tôi, những người nông dân không còn đủ điều kiện để đi vào các nhà máy làm công nhân", ông Công chia sẻ.
Một trong 4 đề xuất của người chăn nuôi là hiện nay các ngân hàng đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất cho các lĩnh vực được hỗ trợ gồm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến. "Nhưng qua khảo sát sơ bộ thực tế chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói lãi vay này", ông Công nhấn mạnh.
Về tình trạng trên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét: Trong ngành ngân hàng có 2 quy tắc cơ bản, một là những điều kiện được phép cho vay và những điều khoản không được phép cho vay. Bây giờ các đối tượng cần được hỗ trợ nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng đều không đảm bảo quy tắc cho vay. Đã không đảm bảo quy tắc cho vay thì cũng đồng nghĩa không đảm bảo quy tắc hưởng lãi suất ưu đãi. Nhưng bối cảnh khó khăn hiện tại mà đòi hỏi người đi vay đáp ứng các yêu cầu về phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả thì cũng giống như đánh đố nhau, nhưng không có cách nào khác. Nông nghiệp là một lĩnh vực đặc thù và gắn liền với vấn đề xã hội, nông thôn nên các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu giải pháp khả thi, vì đây là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn suốt nhiều năm qua.
TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, thừa nhận: Chưa bao giờ ngành chăn nuôi cả nước lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Trước đây, có những thời điểm giá heo xuống thấp thì giá gà hay giá bò lại tốt và ngược lại. Nhưng năm nay, người nuôi heo, nuôi gà, nuôi bò đều đối mặt với khó khăn lớn, đều thua lỗ.
"Rất hy vọng các bộ ngành sớm tìm ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Cần tạo ra không gian và dư địa để khu vực chăn nuôi trong nước tồn tại và phát triển", ông Đạt nói.
Mong có giá sàn, thu mua tạm trữ như lúa gạo
Đặc thù của ngành chăn nuôi và an ninh lương thực - thực phẩm là vấn đề sống còn và thiết yếu của xã hội. Thế nhưng trong khi ngành lúa gạo được ưu ái cho tạm trữ khi tiêu thụ khó khăn, có giá sàn thì chúng tôi lại không được hưởng chính sách này.
Ông Nguyễn Trí Công (Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai)
Bình luận (0)