"Người chiến thắng sau cùng" là ai ?

23/09/2007 23:50 GMT+7

Tôi không hiểu khi các cuộc thi Idol này tổ chức tại Anh và Mỹ, người ta có chuẩn bị "vận động tin nhắn" theo kiểu "vận động bầu cử" không? Nhưng khi Idol tới Việt Nam, có cảm giác cuộc thi này dễ bị hóa thành "cuộc thi tin nhắn": ai tổ chức được nhiều "fans" có khả năng tài chính mạnh hơn - vì không giới hạn tin nhắn cho mỗi máy điện thoại nên số lượng tin nhắn hoàn toàn có thể nghiêng hẳn về thí sinh nào "tổ chức" được "lực lượng nhắn tin" có "hầu bao tốt" và có nhiệt tình bấm máy điện thoại di động.

Chỉ cần 100 fans "chủ lực" như thế với 500 tin nhắn mỗi người chẳng hạn, một thí sinh đã có thể sở hữu "phần cứng" là… 50.000 tin nhắn ủng hộ. Một con số khá ấn tượng!

Và cũng vì ban tổ chức không hề công bố số lượng tin nhắn bầu chọn cho từng thí sinh qua mỗi vòng thi, mà đơn giản chỉ đọc tên người rớt - đậu, nên cái sự "bán tín bán nghi" là không thể xóa bỏ. Tôi đã đọc một số ý kiến ngắn của người hâm mộ, họ đều tỏ ra băn khoăn vì một sự thật mà chính ban tổ chức cũng công nhận: là có những thí sinh đã thực sự thể hiện được năng lực, đã thu hút được khán giả, và rõ ràng họ đã hát hay, và không chỉ hát hay, vì cuộc thi này đòi hỏi sự thể hiện khá toàn diện của mỗi ca sĩ, nhưng cuối cùng vẫn bị loại do số lượng tin nhắn bầu cho họ thấp hơn những thí sinh khác. Ngược lại, cũng có thí sinh thể hiện chưa được ấn tượng lắm nhưng vẫn được vào vòng chót.

Kể ra, cuộc thi nào cũng cần một ban giám khảo, và kết quả bầu chọn cũng chỉ là tương đối. Như ở cuộc thi Vietnam Idol này, quyền bầu chọn là ở khán giả, lại bầu qua tin nhắn, nên có lẽ ban tổ chức cũng khó có thể can thiệp gì được. Nhưng khi ban tổ chức "vô can" thì hệ thống điều hành tin nhắn chưa chắc đã "vô can". Vì đã xảy ra "lỗi hệ thống" khi tin nhắn bầu cho người này lại "bay" qua người khác làm rối tinh cả lên. Liệu có thể hoàn toàn tin cậy vào sự "vô tư" của "siêu giám khảo" này không? Và nếu, ở kết quả cuối cùng, những ai đã từng theo dõi suốt chương trình thi này cảm thấy có gì hụt hẫng, có gì thất vọng - ở đây chỉ nói những khán giả trung lập vô tư với nghệ thuật thôi - vì kết quả chưa phản ánh đúng thực tế cuộc thi, thì sự đáng tiếc sẽ là lớn. Nó không chỉ tác động tới ban tổ chức, tác động tới các thí sinh, mà còn tác động tới rất đông khán giả vô tư hâm mộ cuộc thi lần đầu được tổ chức tại Việt Nam này. Có cảm giác, "người chiến thắng sau cùng" lại chính là… các nhà kinh doanh dịch vụ tin nhắn (cần biết mỗi tin nhắn là 3.000 đồng), chứ chưa hẳn đã là nghệ thuật. Nếu quả vậy thì sự đáng tiếc sẽ tăng lên rất nhiều.

Ban tổ chức với những nhạc sĩ, ca sĩ nhiệt tâm và công bằng với nghệ thuật đã tốn bao công sức theo cuộc thi này. Cũng rất nhiều ca sĩ, dù từ "bưng biền Đồng Tháp" hay ở "nơi bất khuất Tây Nguyên cao cao", dù nhà thuộc diện phải "xóa đói giảm nghèo" hay "có bát ăn bát để" tụ hội về dự thi VN Idol, thì mục tiêu cao nhất của họ là thể hiện mình, và khát vọng của họ là đi tới đích cuối cùng. Một cuộc thi như thế lẽ ra phải là ngày hội của tinh thần dân chủ trong nghệ thuật, của niềm vui và sự hứng khởi của số đông khán giả. Nhưng với một điều kiện: nó phải tìm được cách tổ chức làm sao để sự công bằng - dù tương đối - lên ngôi. Và mục đích tối thượng của nó phải là phục vụ nghệ thuật, chứ không phải phục vụ kinh doanh, dù yếu tố kinh doanh, yếu tố thị trường là "một phần tất yếu" ở những cuộc thi kiểu này.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.