Người có chức vụ, quyền hạn và vợ chồng con cái phải kê khai tài sản hằng năm

02/08/2005 23:58 GMT+7

Ngày 2.8, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã bắt đầu phiên họp kéo dài đến ngày 20.8 để góp ý cho dự thảo Luật Chống tham nhũng, dự kiến được QH thông qua vào cuối năm nay.

Mặc dù còn có một số ý kiến khác nhưng đa số các ĐBQH chuyên trách có quan điểm chung là luật này chỉ nên nhằm tới các đối tượng là những người có chức, quyền trong bộ máy nhà nước. Về việc kê khai tài sản, Ban soạn thảo dự án luật nêu ra 3 phương án: một là người có chức vụ, quyền hạn ngoài việc kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình còn phải kê khai tài sản của vợ  hoặc chồng, con; hai là người kê khai chỉ kê khai tài  sản  của mình; ba là người kê khai kê khai cả tài sản của mình, của vợ hoặc chồng, con trong cùng sổ hộ khẩu. Nhiều ĐB đồng tình với phương án 1, với lập luận chung là đã là người có chức, quyền thì phải chịu những ràng buộc chặt chẽ của luật pháp hơn người dân bình thường. Và tài sản không phải chỉ kê khai một lần mà hằng năm, phải được kê khai lại để cơ quan, đơn vị người đó công tác và cử tri có thể theo dõi sự thay đổi về thu nhập của cán bộ, công chức.

Về 2 phương án thành lập Ban chỉ đạo: một là thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và hai là lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở cả 2 cấp T.Ư và địa phương, đáng chú ý là đa số ý kiến ĐBQH chuyên trách đã không đồng tình với cả 2 phương án. Theo phương án 2 thì ở cấp T.Ư, Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và Tổng thanh tra Chính phủ là Thường trực; còn ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đứng đầu Ban chỉ đạo. ĐB Hoàng Thiện Cát lo ngại: "Nếu để chủ tịch cấp tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng ở cấp tỉnh thì phải chăng tạo ra một vùng cấm cho người giữ chức vụ này". "Hiện nay, chính cái chức vụ này cũng hay bị người dân lo ngại về việc có tham nhũng hay không", ĐB Cát nói thêm. Ông Điểu Kré đề nghị: "Nên lập ra một Ủy ban chống tham nhũng thuộc QH và QH có quyền điều phối các hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc chống tham nhũng". ĐB Hoàng Thu Vân (An Giang) có ý kiến: "Theo tôi, Ủy ban Quốc gia về phòng, chống tham nhũng nên thành lập và trực thuộc T.Ư Đảng do các Ủy viên T.Ư có tâm huyết chỉ đạo... Đảng phải xắn tay vô cuộc chiến một mất một còn này".

Nhận xét rằng đây là một dự án luật đặc biệt quan trọng nên hôm nay 3.8, hội nghị các ĐBQH chuyên trách vẫn tiếp tục thảo luận về dự án luật này.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.