Cảnh trong vở kịch Đêm của bóng tối - Ảnh: Nhà hát kịch Việt Nam cung cấp |
Nhiều người háo hức, chờ đợi “ngón nghề” mới của đạo diễn - NSND Lê Hùng và những mới mẻ từ sự kết hợp giữa ông và NSƯT Bạch Lan.
Xoay quanh một vụ án oan nghiệt của lịch sử nhưng Đêm của bóng tối lại tập trung khai thác, làm nổi bật hình ảnh Thị Lộ - người đàn bà tài sắc vẹn toàn - là thiếp của Nguyễn Trãi và cũng là người con gái vua Lê đem lòng yêu. “Vụ án mà vở kịch nói tới kinh khủng như thế nào mọi người đều biết, vì thế khi dựng tôi phải rất cẩn thận. Tôi đã xử lý tác phẩm theo phong cách cổ điển của châu u sang trọng, khiến người xem cảm giác như ở một thế giới khác nhưng lại vẫn gần gũi với cuộc sống hiện đại bây giờ”, NSND Lê Hùng nói.
Ngay khi vở diễn bắt đầu, khản giả đã cảm thấy “lạnh sống lưng” bởi màn sương khói âm u, ánh sáng le lói hắt ra từ những ngọn nến, những âm thanh u uẩn, dồn dập cất lên, báo trước một bi kịch sắp diễn ra. Tiết tấu, diễn biến nhanh, kịch tính mỗi lúc được đẩy lên cao, người xem bị cuốn theo câu chuyện.
Nhưng không phải vì thế mà khán giả cảm giác vội vã, vẫn có những khoảng trầm đan xen để người xem thấu hiểu, đi sâu vào nội tâm nhân vật với những đau đớn, dằn vặt, yêu thương, những phút mềm lòng, yếu đuối của người đàn bà…
Xem Đêm của bóng tối thấy ngay “chất” của Lê Hùng khi đưa vào nhiều hình ảnh biểu tượng mang những tầng ý nghĩa sâu xa. Cánh hoa trắng (trông giống như một con thuyền nhỏ) xuất hiện có khi là biểu tượng cho vẻ đẹp, tâm hồn trong trắng của Thị Lộ, có khi để chỉ thân phận nhỏ bé, mỏng manh của người phụ nữ đương thời...
Khi vua Lê đến đất Côn Sơn tìm Thị Lộ, Nguyễn Trãi đã ôm cánh hoa mà khóc rằng: “Chả nhẽ gia đình ta tan tác chỉ vì một cánh hoa mỏng manh”. Những dải lụa khi màu trắng, khi màu đỏ lúc thể hiện cho mối tơ lòng, tình cảm vương vấn của Thị Lộ với Nguyễn Trãi khi bị ép vào cung, đảm nhiệm việc chăm lo dạy học cho thái tử, lúc là nỗi lòng đau đớn như rỉ máu của Nguyễn Trãi khi về ở ẩn thấy cảnh triều đình nhiễu nhương, lúc là sự tang tóc, đau thương khi gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.
Một cảnh được đạo diễn xử lý khá mạnh bạo, hiếm thấy trong những vở kịch lịch sử, là hình ảnh Thị Lộ tắm trần bên giếng. Nữ diễn viên đóng thế để lộ hoàn toàn phần thân, cùng hiệu ứng ánh sáng, sương khói, cách xử lý vô cùng tinh tế của đạo diễn đã tạo nên hình ảnh đẹp như tranh vẽ. Hình ảnh xuất hiện hai lần trong vở diễn có thể là dụng ý của đạo diễn muốn diễn tả vẻ đẹp sắc nước hương trời của Thị Lộ và cũng chính vẻ đẹp ấy đã khiến vua mê đắm, muốn chiếm giữ bằng được tuyệt sắc giai nhân.
Nhiều người có cảm giác Đêm của bóng tối đã thoát khỏi câu chuyện mang tính lịch sử vốn có mà giống như một chuyện tình buồn nhiều hơn. Câu chuyện không quá bi đát (mặc dù phần kết là cảnh tang thương) vì Thị Lộ đã được minh oan. Tuy vẫn còn một vài cảnh hơi khó hiểu, rườm rà, hình tượng Nguyễn Trãi (NSƯT Trung Anh) được thể hiện có phần tâm trạng, đau khổ, nhưng vở kịch đáng nhận được lời khen ngợi từ kịch bản, đạo diễn cho tới âm nhạc, phối cảnh sân khấu, diễn xuất của NSƯT Lan Hương (Thị Lộ) và nghệ sĩ trẻ Tiến Lộc (vua Lê).
Minh Ngọc
Bình luận (0)