Người dân chưa yên tâm để sản xuất

14/04/2009 11:00 GMT+7

(TNO) Sáng 14.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 19, với việc cho ý kiến về báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) công trình thủy điện Sơn La.

Chính phủ đã xác định phạm vi ảnh hưởng của công trình thủy điện với tổng diện tích đất bị ngập là 21.467 ha, số dân phải di chuyển dự kiến đến năm 2010 là 20.249 hộ, 90.222 nhân khẩu; đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, La Ha, Khơ Mú… Cuối năm 2004, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 196/2004/QĐ - TTg ngày 29.11.2004 phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân, TĐC công trình thủy điện Sơn La, với tổng mức đầu tư là 10.295 tỉ đồng, trong đó TĐC nông thôn gần 7.093 tỉ đồng, TĐC đô thị 1.650 tỉ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến ngày 31.12.2008 các tỉnh đã triển khai lập 1.356 dự án, phê duyệt 1.206 dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng 385 dự án, đạt hơn 20% kế hoạch. Về nhà ở, 100% hộ TĐC được giao đất ở theo hạn mức quy định từ 200 - 400m2/hộ đối với hộ TĐC nông nghiệp và 100m2/hộ TĐC phi nông nghiệp. Các địa phương đã triển khai 374 công trình như trường học, nhà văn hóa, trạm xá, nhà trẻ… với tổng mức đầu tư được phê duyệt 828 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát: “Việc thực hiện dự án thành phần đã đưa vào sử dụng và giải ngân cho đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đạt rất thấp so với kế hoạch”.

Nghị quyết số 13/2002/QH11 về phương án xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, trong đó nhấn mạnh: “Hoàn thiện và thực hiện phương án tổng thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, đảm bảo cho nhân dân phải di dời sớm ổn định và có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ".

Đến ngày 31.12.2008, các tỉnh đã tổ chức thống kê đền bù, lập phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC cho 24.931 hộ (bao gồm TĐC và hộ sở tại bị ảnh hưởng). Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Ksor Phước cho biết: “Qua tiếp xúc của Đoàn giám sát với di dân TĐC, họ đều cho rằng giá trị tài sản họ bị mất lớn hơn rất nhiều so với số tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng vì dòng điện tương lai của đất nước họ sẵn sàng chấp nhận sự mất mát đó”.

Về giao đất sản xuất, Đoàn giám sát đánh giá: “Việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% so với số hộ đã di chuyển, do đó việc sản xuất của nhân dân sẽ rất khó khăn. Những điểm TĐC mà Đoàn giám sát đến, các hộ TĐC đều có một tâm trạng chung là lo lắng thiếu (thậm chí là không có) đất sản xuất và đất sản xuất đã được tạm giao chất lượng xấu”.

Đến cuối năm 2008, các tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho 11.991 hộ với kinh phí 757 tỉ đồng. Ở nội dung này, Đoàn giám sát cho rằng: “Hầu hết 11 điểm TĐC nơi mà Đoàn đến, do diện tích đất ở nhỏ hơn hoặc bằng 400m2/hộ và bố trí sát kề nhau, nên việc nhốt trâu, bò, gia súc, gia cầm và vườn kinh tế phụ rất khó khăn, gần như bất khả thi”.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31.12.2008, ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã di chuyển được 12.557hộ/20.249 hộ, đạt 62% số hộ phải di chuyển của dự án. Tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch hàng năm đã và sẽ gây áp lực lớn cho thời gian còn lại và ảnh hưởng đến chất lượng TĐC và đời sống của nhân dân sau TĐC.

Không chỉ chậm tiến độ về số hộ được di chuyển, đời sống của các hộ dân sau khi TĐC cũng rất khó khăn. Qua tiếp xúc trực tiếp của Đoàn giám sát với người dân ở các điểm TĐC, Đoàn giám sát lo ngại: “Người dân chưa rõ các phương án sản xuất những năm tới như thế nào, đa số đều cảm thấy không yên tâm. Sự thật là đã có hàng trăm hộ đã đến nơi mới ít nhất 2 năm rồi mà vẫn chưa rõ hướng sản xuất, làm kinh tế tới đây thế nào. Việc quy định về định mức xây dựng các khu TĐC theo tiêu chuẩn nông thôn về đất ở, về xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung chưa phù hợp với đặc điểm tập quán sinh sống của người dân”.

Người dân ở các điểm TĐC đề nghị Nhà nước nên quan tâm kéo dài thời gian hỗ trợ đời sống ít nhất một năm nữa. Ông Ksor Phước nhấn mạnh: “Đoàn giám sát chưa thật yên tâm đối với chất lượng nền móng một số điểm TĐC của thị xã Mường Lay (Điện Biên) mới… Hộ tạm cư ở điểm TĐC Mường Lay có nguy cơ phải đối mặt với mùa mưa, nước sông dâng cao từ tháng 5.2009 mà vẫn chưa di chuyển đến nơi TĐC mới”.       

Đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại khác như: “Việc phê duyệt dự án và thiết kế kỹ thuật - dự toán, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng xây lắp một số nội dung chưa phù hợp với các quy định hiện hành; một số dự án đã triển khai thi công nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư và nhiều quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng chưa hoàn chỉnh theo quy định”.

Theo kế hoạch đặt ra, đến tháng 7.2010 phải hoàn thành công tác di dân các hộ ra khỏi vùng ngập lụt. Đây là một thách thức rất lớn.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: “UBTVQH nên có nghị quyết về nội dung này, và trong nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trung ương”. Theo bà Tòng Thị Phóng, việc ra nghị quyết sẽ giúp thúc đẩy, đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.