Người dẫn đường cho 3 đời Tổng thống Mỹ

09/02/2016 07:25 GMT+7

Tối 19.11.2006, 2 chiếc Cadillac One 6 cửa chống đạn tắt đèn tối mịt dưới sự hộ tống của đoàn xe gần 50 chiếc lao vút ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.

Tối 19.11.2006, 2 chiếc Cadillac One 6 cửa chống đạn tắt đèn tối mịt dưới sự hộ tống của đoàn xe gần 50 chiếc lao vút ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.

Một trong 2 chiếc Cadillac One chở Tổng thống Mỹ George Bush, chiếc còn lại giữ nhiệm vụ nghi binh, mở đầu khoảng thời gian 16 tiếng đồng hồ căng thẳng cho các lực lượng bảo vệ.
Cuộc tiếp đón căng thẳng
Hộ tống Tổng thống Bush ngoài xe của lực lượng công an Việt Nam, phía Mỹ còn chuyển qua khoảng 40 chiếc, toàn những xe đặc chủng bao gồm xe tác chiến, xe đặc vụ chở lính đặc nhiệm Mỹ, xe bảo vệ, xe tiếp cận sẵn sàng lao vào đỡ đạn cho xe của tổng thống khi cần… và xe chở các nhà báo quốc tế. Đoàn xe vừa lao đi với tốc độ cao vừa triển khai đội hình che kín 2 chiếc Cadillac One, lúc này tắt toàn bộ đèn nhằm lẫn đi trong màn đêm.
Cadillac One là loại xe chế tạo dành riêng cho Tổng thống Mỹ khi đó, với lớp kính chống đạn dày 12 cm, cửa xe bằng thép dày 20 cm, sàn xe được bao bọc bởi lớp thép dày có thể chống được bom hoặc lựu đạn. Cửa xe được chế tạo kín đến độ chống được tấn công từ bên ngoài bằng vũ khí hóa học. Trong cốp xe luôn dự trữ sẵn các bình ô xy và một số đơn vị máu, cùng nhóm máu tổng thống, để đề phòng bất trắc.
Phần trước Cadillac One được trang bị súng bắn hơi cay và camera hồng ngoại, có thể đi xuyên màn đêm. Cạnh tổng thống là một trạm truyền thông mini, được trang bị điện thoại vệ tinh có thể gọi trực tiếp cho phó tổng thống và Lầu Năm Góc.
Đi sau 2 chiếc Cadillac là hàng loạt xe đặc chủng chở theo lính đặc nhiệm Mỹ, và đặc biệt là loại xe đặc chủng có tên gọi là xe tiếp cận, sẵn sàng che chắn, chịu đòn cho xe chở tổng thống.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau sự nghiêm cẩn của cuộc tiếp đón này và những lo lắng về an ninh đã nhanh chóng được giải tỏa. Ra khỏi đường Trường Sơn, người dân Sài Gòn đã nắm trước thông tin về chuyến viếng thăm của ông Bush, đã không khó để nhận ra đoàn xe đang hộ tống ai nên đứng hai bên vẫy tay chào. Trên chiếc xe Cadillac One thứ hai, ông Bush cũng nhanh chóng nhận ra được sự chào đón nồng nhiệt của người dân thành phố. Ông ra lệnh bật đèn - cả bên trong lẫn ngoài xe, bấm cửa kính xuống và cùng phu nhân Laura vẫy tay chào lại người dân.
Người dẫn đường cho 3 đời Tổng thống Mỹ 2Trung tá Nguyễn Văn Hải - Ảnh: Nguyên Trương
Tổng thống có bề gì, trực thăng sẽ “bốc” ra thẳng Hạm đội 7
Để chuẩn bị cho cuộc tiếp đón này, phía Mỹ yêu cầu được đưa sang 100 khẩu súng lục, 6 khẩu tiểu liên cùng súng bắn tỉa. 2 chiếc trực thăng cũng được phía Mỹ yêu cầu được quần thảo trên bầu trời Tân Sơn Nhất, kè hai bên chiếc chuyên cơ Air Force One để sẵn sàng “bốc” tổng thống ra thẳng Hạm đội 7 khi bị tấn công.
Phía Việt Nam hứa đảm bảo an ninh tuyệt đối cho Tổng thống Mỹ, nên chỉ chấp nhận cho đem vào khoảng 40 khẩu súng các loại. Tuy nhiên, khi chiếc Air Force One của Tổng thống Bush hạ cánh, luôn có 2 chiếc trực thăng nổ máy đợi sẵn.
Người dẫn đầu đoàn xe hộ tống năm ấy, trung tá Nguyễn Văn Hải - hiện là Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT - Công an TP.HCM, cho biết đã có những cuộc trao đổi căng thẳng về việc bảo đảm an ninh cho Tổng thống Bush. Lúc đó trung tá Hải nhận lệnh cấp trên, tiếp cận và làm việc với lực lượng an ninh Mỹ.
Trên đường về khách sạn New World, phía Mỹ yêu cầu thay đổi chương trình, theo trung tá Hải, “tuy chúng tôi bất ngờ nhưng đã nhanh chóng xin ý kiến lãnh đạo triển khai phương án 2”. Nguyên do là trước đó vài giờ, Thủ tướng Úc John Howard cũng đã đến TP.HCM và cùng ông Bush bàn nhau ghé ăn tối ở nhà hàng trên đường Hai Bà Trưng, Q.1. “Chúng tôi đã triển khai phương án 2, hoàn hảo đến mức phía an ninh Mỹ cũng phải bất ngờ” - trung tá Hải nhớ lại.
30 năm lăn lộn với nghề dẫn đoàn
Tôi viết bài này trong lúc lực lượng cảnh sát giao thông đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Và trung tá Nguyễn Văn Hải đã có 30 năm gắn bó với công việc dẫn đoàn, kể từ ngày thành lập năm 1985.
“Lúc đó tổ tuần tra chỉ có vỏn vẹn 4 chiếc mô tô từ 750 cc đến 900 cc. Sau đó chú Tư Khương (ông Nguyễn Hữu Khương - Giám đốc Công an TP.HCM lúc đó) mới xin cấp trên mua cho đội 25 xe mô tô các loại, từ 400 cc đến 900 cc và mời các chuyên gia Nhật sang huấn luyện kỹ thuật chạy xe để nâng cao kỹ năng”, anh Hải kể và cho biết thêm: “Hiện quân số đội có lúc lên đến 130 người, được trang bị hơn 60 mô tô các loại, trong đó có những xe đến 1.500 cc dùng để hộ tống các nguyên thủ”.
Làm nghề này cực, trách nhiệm và căng thẳng, nhưng ít ai biết hầu như nguyên thủ nào đến TP.HCM cũng đều do anh Hải dẫn đường. Tính đến nay đã 3 đời Tổng thống Mỹ - từ ông Bush “cha”, đến Bill Clinton và ông Bush “con”. “Tôi có thể kể cho bạn nghe rất nhiều kỷ niệm trong nghề. Trong đó có sự gần gũi của các nhà lãnh đạo”, anh Hải hồi tưởng.
“Tôi nhớ có lần đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro, cách đây chắc cũng hơn 25 năm. Ông Fidel qua là leo lên xe U oát đi một mạch lên Chiến khu D, người chỉ mặc độc một bộ đồ kaki xanh. Lúc đó đường đất đỏ bụi mịt mù. Xe sau nhìn không thấy xe trước dù chỉ cách có mấy mét. Ông tiếp xúc với người dân, chào hỏi, đùa giỡn với trẻ em rất gần gũi”.
“Nguyên thủ các quốc gia phương Tây thì thoạt đầu họ căng thẳng, nhưng khi hiểu ở Việt Nam rất an ninh thì họ lại khá thoải mái. Như khi thăm Việt Nam năm 1998, Tổng thống Pháp Francois Mitterand điều 2 máy bay hậu cần đến trước, rồi chiếc thứ 3 ông mới đến. Lúc đầu rất lo lắng, nhưng sau thấy thái độ của người dân, ông hiểu Việt Nam là một đất nước rất an bình. Từ đó ông đi bộ luôn trên đường phố trung tâm Sài Gòn, gặp gỡ bắt tay và chụp hình với cả những người đạp xích lô, bán hàng rong...
Trong suốt quá trình dẫn đoàn 30 năm ấy, có lần nào anh “sợ” nhất không? - tôi hỏi. “Có chứ. Đó là lần đón Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Đón xong thì tối hôm đó một người đồng nghiệp phía bạn có ý muốn tôi mời đi chơi. Tối đó chúng tôi có uống rượu. Sáng hôm sau tự nhiên ban giám đốc gọi điện, bảo là “phía Hàn Quốc yêu cầu anh dẫn đoàn phải đến gặp họ gấp”. Tôi vừa đi vừa lo không biết chuyện gì. Lên đến tầng 20 khách sạn Sheraton, tôi được đưa thẳng vào phòng tổng thống. May sao, chỉ có chuyện là tổng thống mời đến để cảm ơn tôi và yêu cầu chụp hình chung, nhưng cũng làm tôi hết hồn”...
Còn những gì làm anh “đến giờ vẫn nhớ”, tôi lại hỏi.
“Đó là vợ chồng Tổng thống Bush và phu nhân Laura. Ông Bush hứa rằng sau khi mãn nhiệm kỳ chắc chắn sẽ trở lại thăm Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ông ấy quay lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.