Thanh Bình từ đường (Thừa Thiên-Huế) được xây dựng vào những năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là nhà thờ tổ ngành hát bội cổ xưa lớn nhất cả nước, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia cách đây 25 năm.
Hàng chục nghệ sĩ thuộc đoàn nghệ thuật hát bội, cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đã vượt quãng đường hơn 1.000 km để tụ hội tại xóm nhỏ Thanh Bình phụng cúng, dâng lên tổ nghiệp hơn 10 trích đoạn hát bội, cải lương tuồng cổ “máu thịt” mà họ chuẩn bị công phu. Đó là các vở diễn nổi tiếng như Lớp Đại Bội, Huỳnh Châu hội yến, Tạ Ôn Đình đại chiến Phàn Diệm, Song nữ loạn Viên Môn, Câu Thơ Yên Ngựa, Lưu Kim Đính chiêu phu…
|
NSƯT Ngọc Khanh, trưởng đoàn (giữa) tâm sự rằng chuyến đi là ước nguyện của nhiều nghệ sĩ và nay đã hội đủ duyên cho một chuyến “về nguồn”, bởi nhiều nghệ sĩ trong đoàn hoàn cảnh còn khó khăn, thậm chí phải chạy xe ôm để kiếm sống. “Chuyến đi thật sự như tiếp lửa thêm cho các nghệ sĩ, nhất là được diện kiến, dâng hương tổ nghiệp, tình cảm ấm áp của bà con xứ Huế”, nghệ sĩ Ngọc Khanh nói.
|
Chuyến "về nguồn", khán giả cố đô còn chứng kiến nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn theo đuổi đam mê, bất chấp những bất lợi về lượng khán giả có vẻ ngày một thưa dần với sân khấu hát hội, cải lương tuồng cổ. Không chỉ thế, khán giả cố đô còn hết sức háo hức khi được gặp nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác của làng hát bội, trong đó có cả nữ nghệ sĩ nổi tiếng tuổi đã ngoài 70 Bo Bo Hoàng.
|
Nghệ sĩ gạo cội Bo Bo Hoàng trong vai Bà Chằn của vở Lưu Kim Đính chiêu phu.
|
Bo Bo Hoàng là nghệ danh của nghệ sĩ Thanh Hoàng, người từ 4 tuổi đã vào ngành hát bội, diễn tuồng. Từ diễn viên, bà tham gia biên soạn kịch bản và là tác giả của nhiều vở tuồng như Tấm Cám, Đừng quên dòng nước mắt, Mùa tôm, Qua cầu thiên mã, Lưu Bình - Dương Lễ... "Hát bội, diễn tuồng là cái nghề rất cực, nhưng đáng mừng là hiện vẫn còn nhiều bạn trẻ theo đuổi ngành nghệ thuật cổ truyền thống này", bà nói. Hiện nghệ sĩ Bo Bo Hoàng ít đi diễn và tập trung cho việc sản xuất, gia công phụ trang nghệ thuật hát bội, tuồng cổ. Chia sẻ với Thanh Niên, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng cho biết đây là lần thứ hai bà trở lại Huế và viếng, dâng hương tổ nghiệp
|
Một khán giả lớn tuổi đến bắt tay cảm ơn nghệ sĩ Bo Bo Hoàng khi bà vừa kết thúc vai diễn.
|
Một nhân vật đặc biệt khác xuất hiện và thỏa mãn sự háo hức của bà con xứ Huế là nghệ sĩ Hữu Lập, người được xem là bậc thầy, đàn anh của nhiều nghệ sĩ trong ngành hát bội. Hiện nghệ sĩ Hữu Lập sống ở đường Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM. Với sự giúp đỡ của chương trình Điều ước thứ 7 của Đài truyền hình Việt Nam, vị nghệ sĩ lão thành có mặt đầy bất ngờ trong chương trình. Từ hàng ghế khán giả, nghệ sĩ Hữu Lập (bìa phải) được mời lên sân khấu diễn chung với một số nghệ sĩ hát bội hàng con cháu.
|
Trong trích đoạn vở Phàn Định Công chém Sứ đề cờ (nghệ sĩ Hữu Lập vai Phàn Định Công; nghệ sĩ Khánh Minh vai Phàn Diệm; nghệ sĩ Hiếu Cảnh vai Khâm sứ) khán giả vỗ tay không ngớt dành tặng cho vị nghệ sĩ tuổi 75
|
Điều bất ngờ khác với nghệ sĩ Hữu Lập và khán giả cố đô là sự xuất hiện hai cô con gái khi “bí mật” vượt hơn 1.000 km từ TP.HCM theo cha ra Huế để xem cha cùng các nghệ sĩ khác diễn tuồng. Đó là cô con gái cả Ngọc Hiền và con gái thứ 4 Ngọc Hậu của nghệ sĩ Hữu Lập. Vị nghệ sĩ đã 60 năm cống hiến cho nghệ thuật tuồng kể rằng ông có 5 người con gái nhưng chưa lần nào ông cho họ theo ông đến sân khấu xem tuồng. “Tôi sợ mấy đứa nó xem rồi đâm ghiền theo nghề thì rất khổ. Nghề này khổ lắm…”, lời tâm sự của nghệ sĩ Hữu Lập khiến nhiều người xúc động.
|
Với xóm Thanh Bình chung quanh Thanh Bình từ đường sau nhiều năm vắng bóng diễn tuồng hát bội, nay nam phụ lão ấu đã thức thâu đêm suốt sáng để sống trong môn nghệ thuật hát bội, cải lương tuồng cổ. Bà con ở chung quanh Thanh Bình từ đường đã thật sự sống trọn một đêm với nghệ thuật hát bội, cải lương tuồng cổ.
|
Một khán giả nhỏ tuổi không rời mắt sân khấu hát bội, dẫu đêm đã về khuya.
|
Người dân xóm Thanh Bình được tận hưởng lại những giá trị nghệ thuật hát bội, cải lương tuồng cổ trong xóm nhỏ của mình.
|
Vào cuối chương trình, nhiều người không cầm được nước mắt khi nghệ sĩ hải ngoại Lê Tín (vai người cha, áo trắng) nhắn người con (nghệ sĩ Âu Thiên Phú thủ vai) trong Sau bức màn nhung rằng: "Còn một khán giả cũng không được bỏ diễn".
|
Bình luận (0)