Vườn cao su hơn 50 ha của bà Huỳnh Thị Lan Phương cũng nằm trong tình cảnh có thể mất trắng khi chính quyền thị xã Trảng Bàng đã có quyết định thu hồi trước thời hạn |
ảnh: THIÊN THẢO |
Chủ vườn cao su đi cạo mủ cao su thuê
Nhận được lời kêu cứu của bà Bùi Thị Huệ, chúng tôi đến xã Phú Mỹ Hưng, H.Củ Chi, TP.HCM tìm hiểu. Sáng hôm đó, bà Huệ vừa đi cạo thuê mủ cao su về nhà. Một đêm thức trắng để cạo mủ cao su, mắt bà Huệ thâm quầng và mệt mỏi. Nhưng gặp các phóng viên báo đài, bà Huệ mừng khấp khởi, rồi mếu máo nói: “Tui là chủ vườn cao su mà giờ phải đi cạo mủ thuê kiếm sống. Vườn cao su
10 ha tui và gia đình sang nhượng hợp pháp giờ đã bị chính quyền thị xã Trảng Bàng thu hồi mà không đền bù gì cả. Mất trắng hết rồi. Khổ trăm bề. Mà tui thấp cổ bé họng không biết kêu ai. Nhờ báo đài phản ảnh, may ra cấp trên quan tâm giúp đỡ…”.
Theo tìm hiểu, bà Huệ và các anh chị em trong gia đình hùn hạp, vay mượn 2 tỉ đồng để sang lại vườn cao su 10 ha của các hộ dân đã có hợp đồng kinh tế thuê đất với Nông trường Cao su Bời Lời (NTCSBL) thời hạn 50 năm (thời hạn chấm dứt hợp đồng là năm 2042). Trong hợp đồng này, có nêu rõ chủ sở hữu được quyền sang nhượng. Tuy nhiên, chính quyền thị xã Trảng Bàng cho rằng các hộ dân nhận giao khoán trồng, khai thác cao su là đất do Nhà nước quản lý, không phải là đất được Nhà nước giao cho các hộ dân quản lý sử dụng. Các hộ dân là người được nhận khoán trồng cây cao su theo hợp đồng mà hợp đồng không còn hiệu lực pháp lý (?). Và chính quyền địa phương chỉ cho phép các hộ được khai thác cây cao su trọn vẹn chu kỳ 25 năm.
Theo lời bà Huệ, khi chính quyền địa phương đưa ra lý do chu kỳ khai thác cây cao su trọn vẹn chỉ 25 năm, bà Huệ và các hộ dân khác vẫn chấp nhận đốn bỏ cao su đang khai thác để trồng cao su mới. Tuy nhiên, chính quyền vẫn không đồng ý. Sau đó, bà Huệ và các hộ dân khác chịu lùi thêm một bước là đề nghị được trồng mì hoặc cây ngắn ngày nhưng vẫn bị khước từ. “10 ha vườn cây cao su đã đốn hạ, đất bỏ trống, chúng tôi yêu cầu được trồng mì để có chút hoa lợi sinh sống cũng không được. Cuối cùng tôi phải đi cạo mủ cao su thuê kiếm sống. Tôi còn trẻ có thể cạo mủ kiếm cơm qua ngày. Nhưng những chị em khác trong gia đình của tôi tuổi trên 60 rồi không thể đi cạo mủ cao su hoặc làm những công việc nặng nhọc khác. Ai cũng lâm vào tình cảnh khốn đốn”, bà Huệ nói thêm.
Bà Bùi Thị Huệ từ chủ vườn cao su trở thành người đi cạo mủ cao su thuê |
Ảnh: THIÊN THẢO |
Khi chúng tôi hỏi bà Huệ mong muốn cuối cùng của mình liên quan tới 10 ha đất cao su bị thu hồi, bà Huệ thở dài: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng chính quyền thu hồi diện tích đất đó thì phải bồi thường hợp đồng với thời hạn còn lại hơn 20 năm sao cho thỏa đáng. Nhưng chúng tôi mỏi mòn chờ đợi vẫn chưa thấy chính quyền phản hồi gì”.
Rơi vào tình cảnh bị thu hồi “ngang” đất cao su như bà Huệ, nhiều hộ dân cũng bức xúc và bày tỏ nguyện vọng cuối cùng. Ông Trần Văn Hiệp nói: “Gia đình tôi đăng ký đất với nông trường (NTCSBL - PV) năm 1992, phải đóng tiền cho nông trường. Lúc đó gia đình tôi không có tiền phải bán hết ruộng đất, trâu bò để đóng. Nay Nhà nước lấy lại đất mà không đền bù cho tôi là không thỏa đáng”. Tương tự, ông Phùng Văn Ga cho biết: “Tôi hợp đồng trồng cao su với NTCSBL với thời hạn 50 năm, nhưng nay có văn bản của tỉnh là chỉ được trồng cao su 25 năm. Tôi không đồng ý việc này. Nếu Nhà nước thu hồi đất thì phải có những chính sách thỏa đáng...”.
Nỗi lòng của một bệnh binh
Rời nhà bà Bùi Thị Huệ, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Quang Bội (An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM). Đưa những giấy tờ liên quan đến việc ký kết hợp đồng sang nhượng đất và các thông báo của chính quyền địa phương về việc thu hồi 4 ha đất trồng cây cao su, ông Bội tâm sự: “Hợp đồng thuê đất còn đây với đầy đủ chữ ký của các bên, đóng dấu đỏ chót của NTCSBL và chính quyền địa phương. Vậy mà, chưa được nửa thời hạn hợp đồng cho thuê đất thì tôi bị chính quyền địa phương ra quyết định thu hồi mà không đền bù gì cả. Làm như vậy là lấn hiếp dân quá!”.
Chúng tôi hỏi, sau khi chính quyền không cho khai thác cao su và ra quyết định thu hồi diện tích đất kể trên thì làm gì để sinh sống? Ông Bội bùi ngùi trải lòng: “Tui già rồi lại là bệnh binh nữa nên có làm được gì nữa đâu. Giờ chỉ trông chờ vào tiền chế độ bệnh binh và tiền trợ cấp nhiễm chất độc da cam”. Được biết, ông Bội từng là người lính làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia 8 năm. Khi ra quân, ông là bệnh binh mất khả năng lao động 51%, ảnh hưởng chất độc da cam tỷ lệ 40%. “Trước đây, hưởng ứng chủ trương cho phép người dân khai hoang và thuê đất trồng cao su, tôi đã bán hết tài sản, vay mượn thêm để đầu tư trồng cao su trên NTCSBL. Kể cả việc năm 2010 tôi mua thêm 2 ha đất trong khu đất thuộc NTCSBL với giá trị lên tới 570 triệu đồng (có xác nhận của UBND xã Hưng Thuận, H.Trảng Bàng). Ai cũng biết số tiền đó lúc bấy giờ rất lớn. Nay chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường thỏa đáng đẩy gia đình tôi vào cảnh điêu đứng”.
Ông Nguyễn Quang Bội bức xúc khi nói về đất cao su bị thu hồi trước thời hạn |
ảnh: THIÊN THẢO |
Luật sư nói gì về việc người dân bị thu hồi đất trước thời hạn hợp đồng
Theo luật sư Trần Duy Cảnh - Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Luật Việt (TP.HCM): Để thực hiện thu hồi phần diện tích đất trồng cao su của những người dân ở ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh thì UBND tỉnh Tây Ninh phải thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo các nội dung mà hợp đồng giao khoán đã ký với nông trường (NTCSBL - PV) thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Tỉnh phải có quyết định thu hồi đất mà đối tượng là những hộ dân có hợp đồng thuê đất hoặc chuyển nhượng đất trồng cây cao su có nguồn gốc từ NTCSBL phải đền bù thỏa đáng theo quy định. Vụ việc giải quyết phải dựa vào pháp luật để xử lý.
Cách làm khác, nông trường phải thỏa thuận với các hộ dân thanh lý chấm dứt các hợp đồng kinh tế đã ký và thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu không thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa án. Khi bản án có hiệu lực thì tổ chức thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.
Cùng trường hợp thu hồi đất trồng cao su trên, bà Huỳnh Thị Lan Phương (ngụ Q.1, TP.HCM) là người ký hợp đồng kinh tế với Nông trường Cao su Bời Lời với diện tích 50 ha đất trồng cao su cũng đang “nằm trong diện sắp bị thu hồi” bởi các Thông báo của thị xã Trảng Bàng và quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh (cụ thể là Quyết định số 1062 ngày 07/11/2001 của UBND tỉnh Tây Ninh). Bà Phương bức xúc nói: “Khi tôi ký hợp đồng giao thuê đất với Nông trường Cao su Bời Lời, đó là một pháp nhân của nhà nước có pháp lý rất rõ ràng, có việc gì cũng phải trao đổi với tôi, chứ không phải làm thinh như vậy rồi ra quyết định thu hồi là không được, vì đất tôi còn thời hạn hợp đồng canh tác, hằng ngày công nhân vẫn hoạt động bình thường. Cho đến thời điểm này tôi thật sự bức xúc, vì nếu chính quyền tỉnh Tây Ninh có nhu cầu cần quỹ đất của tôi thì phải có sự đàm phán với tôi theo đúng quy định của pháp luật, phải đền bù như thế nào đó cho thỏa đáng giữa đôi bên thì tôi sẽ tuân thủ. Nhưng vấn đề ở đây là chính quyền địa phương chưa có sự đàm phán mà lại muốn thu hồi đất của tôi, đó là điều tôi cảm thấy bức xúc và không công bằng đối với người dân”.
Bình luận (0)