Lòng hào hiệp và chân tình
5 người trong gia đình ông Enrique Manuel, du khách Tây Ban Nha, đã rất cảm kích khi được ông Nguyễn Duy Phú, chủ tàu Pelican (Cảng Tuần Châu, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) mời nghỉ đêm miễn phí trên vịnh Hạ Long với hành trình 2 ngày 1 đêm. Trước đó, gia đình ông Enrique Manuel đặt tour nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long qua trang du lịch www.expedia.es với giá 640 euro cho 5 người. Tuy nhiên, khi tới Hạ Long ngày 26.7, con tàu Paragon Cruiser mà ông đặt chỗ hoàn toàn không thấy đâu. “Lúc đó, tàu của tôi đã rời bến được một đoạn nhưng nhận được thông tin về việc gia đình du khách Tây Ban Nha có vẻ như bị lừa đi du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, nên tôi quyết định cho tàu quay lại bến mời họ đi cùng đoàn. Nhiều du khách trên tàu tỏ vẻ khó chịu, nhưng sau khi biết chuyện họ cũng đã thông cảm”, ông Phú cho biết.
tin liên quan
Phải có kế hoạch hành động để thân thiện hơnGia đình ông Enrique Manuel sau đó tiếp tục khám phá nhiều địa phương khác của VN như: Ninh Bình, Huế, TP.HCM. Còn ông Nguyễn Duy Phú, sau hành động nghĩa hiệp nói trên, vào ngày 27.7 đã được UBND TP.Hạ Long trao giấy khen cùng 800.000 đồng tiền thưởng. Ông Phú đã dùng số tiền này ủng hộ Quỹ người nghèo của TP.Hạ Long. “Tôi thực sự rất buồn trước việc du khách bị “bỏ rơi” như vậy và hy vọng lần sau không phải chứng kiến cảnh này. Đã có một kẽ hở do doanh nghiệp VN tạo ra khiến đại lý uy tín như expedia gặp phải”, ông Phú nói.
Đáng chú ý, lãnh đạo UBND TP.Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và Hiệp hội Tàu du lịch Hạ Long cũng khẳng định trên vịnh Hạ Long không có con tàu nào mang tên Paragon Cruiser. Ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long, cũng cho biết đã báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh Quảng Ninh để phối hợp điều tra vụ việc có dấu hiệu lừa đảo mà các du khách đã gặp phải.
Còn nhiều câu chuyện chân tình giữa người dân, người làm du lịch với du khách như vậy. Ngày 24.7, trên mạng xã hội Facebook của Những người thích du lịch, một người dân Sa Pa có nick Bình Minh đã tìm kiếm chủ nhân cuốn hộ chiếu của du khách Đan Mạch có tên Marianna Clausen. Những người trong nhóm đã hướng dẫn Bình Minh cách liên lạc để báo với Sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội. Đáng tiếc vị khách đã làm lại hộ chiếu và về nước. Ở Hội An, đã có du khách không biết đường được người dân chở xe máy đi mua bánh mì Phượng và nhất quyết chỉ giúp mà không lấy tiền... Theo UBND TP.Hạ Long, trong thời gian vừa qua, nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn đã có những hành động đẹp giúp đỡ du khách, trả lại tài sản. Mới đây vào ngày 10.7, nhân viên tàu Phong Hải (số hiệu QN 8468) đã nhặt và trả lại ví tiền bên trong có 12 triệu đồng, cùng giấy tờ tùy thân cho ông Trần Mạnh Vũ, 57 tuổi, trú tại Q.7, TP.HCM.
|
Khuyến khích và đẩy mạnh giám sát
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết hành động đẹp nói trên của ông Nguyễn Duy Phú chính là một cách để bảo vệ di sản. Di sản không chỉ trong sạch, không rác thải mà còn đẹp cả trong lòng du khách. Để có được điều ấy cần sự nâng cao nhận thức, ý thức của các doanh nghiệp kinh doanh nhờ di sản.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, nhận định: “Đúng là những du khách Tây Ban Nha may thật, gặp được những người tốt thật, muốn giữ thể diện cho đất nước thật. Còn làm sao nhân lên những gương tốt như vậy thì nên truyền thông cho cái tốt mạnh hơn nữa để tạo sự lan tỏa đến người sắp tốt”.
Ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch vịnh Hạ Long, cho biết chi hội đã xây dựng quy chế hoạt động, trong đó đặt ra các tiêu chí cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, trình độ phục vụ, đồng thời cũng có các quy định khen thưởng, xử lý đối với hội viên vi phạm... Ông cũng cho hay, hiện nay trên vịnh còn khoảng 500 tàu du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách.
Bên cạnh việc lan tỏa những tấm gương sáng như ông chủ tàu ở vịnh Hạ Long nêu trên, theo các chuyên gia, chúng ta cần phải lên án, có biện pháp đủ mạnh để hạn chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi những “hình ảnh xấu xí” trong mắt du khách, nhất là du khách nước ngoài. Đó là những quán ăn khách vừa ăn vừa nghe chửi và khi bê đồ được khuyến mãi cả ngón tay phục vụ nhúng trong nước dùng. Đó còn là một số lái xe xích lô sẵn sàng “chém đẹp” khách 600.000 đồng cho một cuốc xe giá chỉ 200.000. Hay như vụ tài xế taxi ở Hà Nội mới đây đã dùng tiền “âm phủ” khi thối lại tiền cho du khách nước ngoài...
Theo ông Lê Minh, Viện Nghiên cứu du lịch, để chống những hiện tượng du lịch xấu xí, quan trọng là địa phương phải năng động, phải có lực lượng phản ứng nhanh. “Địa phương nào cũng phải chủ động. Hàng chục năm về trước đã có đề nghị thành lập cảnh sát du lịch mà đến nay có thấy gì đâu. Nó là một dạng đội phản ứng nhanh đấy. Xảy ra cái gì liên quan đến cảnh sát du lịch thì họ xử lý ngay. Nhưng bộ máy đang muốn co lại mà mình xin ra thêm thì khó”, ông Minh nói.
Về các đường dây nóng xử lý vi phạm du lịch, PGS-TS Phạm Trung Lương nhận xét: “Cứ nói đường dây nóng cho oai chứ thực ra các đường dây nóng hoạt động không hiệu quả. Khách cứ hay phàn nàn gọi điện đến chả có người nghe máy gì cả, hoặc gọi điện đến thì nói máy bận... Tóm lại là hiệu quả không cao. Hơn nữa, làm đường dây nóng là phải bố trí nguồn nhân lực ở đó. Nhân lực này chỉ đóng vai trò chuyển tiếp thông tin đến người giải quyết, như vai trò trung gian thôi thì chẳng có ý nghĩa gì. Đó là vấn đề của đường dây nóng”.
“Tôi nghĩ có thể dùng mạng xã hội có lẽ sẽ hiệu quả hơn, đến với nhiều người hơn. Khả năng tiếp cận thông tin đến với người xử lý sẽ cao hơn. Nên tích cực dùng mạng xã hội để thông báo, khiếu nại...”, ông Lương đề xuất. Ngoài ra, theo ông Lương, một vấn đề nữa cần đẩy mạnh là làm sao để kiểm soát được các vụ việc bán tour ma, hay bán tour không như quảng cáo. “Khi các công ty đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp thì dễ, nhưng có hoạt động hay hoạt động thế nào lại là trách nhiệm của ngành du lịch. Hoạt động quảng cáo thì lại thuộc quản lý của ngành thông tin truyền thông. Việc quảng cáo có đúng sự thật hay không thì các ngành lại phải ngồi với nhau để ra cơ chế kiểm soát chứ không thể thả nổi”, ông Lương nói.
Bình luận (0)