May mắn có con nuôi
11 giờ trưa, ông Nguyễn Mai Văn Tâm (43 tuổi) cùng bà Nguyễn Thị Năm (86 tuổi) cố bán nốt chục tờ vé số quanh khu vực gần BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM).
"Còn mấy tờ cuối, mua giúp bà cụ để tôi chở bà về anh chị ơi", người đàn ông mở lời khi gặp người đi đường. Ông Tâm là con nuôi của bà Năm.
Trưa nắng bà mệt, ông chở bà trên chiếc xe ba bánh, hai mẹ con đi về phòng trọ. Phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Trung Nguyệt (TP.Thủ Đức) đặt hai chiếc giường nhỏ, chiếc tủ lạnh được người khác cho, ít đồ sinh hoạt,… là nơi ở của họ.
Về phòng, ông bế bà Năm vào giường, bật quạt, lấy chai nước cho bà uống rồi tất tả xuống bếp nấu bữa trưa. Hôm nay, họ ăn cơm với trứng chiên. Vừa nằm nghỉ, bà Năm kể lại cuộc đời cùng sự chăm sóc của người con nuôi tốt bụng.
Trước đây, bà có căn nhà nhỏ ở Q.4. Chồng mất sớm, bà sống cùng 4 người con gái, 1 người con trai. Thời trẻ, buôn bán đủ thứ từ trong nước ra nước ngoài kiếm tiền nuôi các con. Các con trưởng thành, bà bán căn nhà đó chia cho các con. Con gái đi lấy chồng có cuộc sống riêng, bà vẫn sống cùng người con trai ruột và một người con gái.
Sau này, người con trai quyết định sang Thái Lan làm ăn để mẹ ở lại với người chị gái. Biến cố ập đến khi người chị gái bị tai nạn, không còn chăm mẹ được như trước. Một người con gái mất từ đợt dịch Covid-19, hai người còn lại quá nghèo, không thể lo được cho bà.
"Con trai tôi ở bên Thái Lan gọi điện về nhờ bạn thân đến lo cơm nước, thay tã giùm. Cách đây 6 năm, tôi tự dưng thấy bị nhức nên đi chích ở BV. Sau một hôm, ngủ dậy chân không còn cảm giác, không đi được nữa. Tôi gọi bạn thân của con trai là con nuôi. Con trai tôi liên lạc thường xuyên còn con nuôi chăm còn hơn con gái. Nó cứ ẵm đi vệ sinh, tắm giặt, lo từng chút một. Có lần tôi hỏi, "giờ má chết con bỏ má ở đâu?" nó nói đưa tôi vô chùa, mỗi tháng nhờ người trên chùa cúng vì giờ không còn nhà cửa", bà Năm nói.
Người con trai ở Thái Lan có gửi tiền nhà, tiền ăn uống để bạn chăm sóc mẹ. 3 năm nay, ông gặp biến cố nên không thể liên lạc về. Ông Tâm vẫn giữ lời hứa với bạn, ở bên chăm sóc bà Năm. Họ chuyển sang thuê phòng trọ nhỏ hơn, ngày ngày đi bán vé số trang trải cuộc sống.
"Mỗi ngày hai mẹ con bán được khoảng vài ba trăm tờ vé số. Có những hôm ế quá nó phải tự đi bán riêng cho hết. Mọi người thương nên cũng ủng hộ, cho cái này cái kia. Tôi cũng thử vào viện dưỡng lão nhưng ở không quen, nó lại đón tôi về rồi nói: "giờ con bỏ má thì ai nuôi, con sống với má tới chết". Tôi mệt nó cũng đi mua thuốc bổ cho uống, gội đầu thường xuyên. Nuôi tôi, người thân nó cũng khóc quá trời nhưng vì thấy tôi khổ quá nên nó thương, lo cho tôi hằng ngày", cụ bà bộc bạch.
Đưa mắt nhìn con trai, bà Năm tiếp lời: "Không biết kiếp trước tôi sống sao mà cuối đời không con cái bên cạnh. May mắn lắm mới gặp được nó, người dưng nhưng coi tôi như má ruột".
"Không thể bỏ mẹ!"
Ông Tâm chia sẻ, ông chơi với con trai mẹ nuôi từ nhỏ tới lớn. Một lần, đến thăm bà Năm thấy bạn mình không biết thay tã nên ông thay giùm. Ông không lập gia đình, không còn ba mẹ nên chuyển qua sống để tiện chăm lo cho mẹ bạn.
"Hồi đó bà sống tốt với tôi, bạn bè đến thăm nhà đều ở lại ăn cơm, mở máy lạnh bà cũng không chửi, quần áo bà giặt cho. Giờ thấy bà tội nên tôi chăm lại bà. Bằng tuổi này không con cái, phải đi bán vé số nên tôi không thương không được. Tôi đi làm phụ hồ một ngày cũng được 400.000 đồng nhưng bà bị liệt, phải canh bà, không thể bỏ bà một mình ở nhà", người con nuôi chia sẻ.
Chăm sóc người già khiến cuộc sống của ông tất bật từ sáng đến tối. Ông luôn nhìn hoàn cảnh của bà, tình cảm với người bạn thân để cố gắng dù lắm lúc cũng bí bách, khó chịu. Ông cũng không oán trách con bà vì biết cùng cực họ mới bỏ rơi mẹ. Hiện, bà vẫn có trợ cấp xã hội cho người già và được người tốt mua giúp bảo hiểm y tế.
Bà Năm kể lại cơ duyên sống với người con nuôi
"Bà mất một người con gái, một đứa không tỉnh táo còn 2 đứa nữa thì quá khổ. Họ không lo được chứ không phải bỏ mẹ. Tôi hiểu nỗi khổ tâm của họ. Có lần thấy bà khóc, tôi thương quá, bản thân cũng có mẹ nên không thể bỏ được. Giờ không có bà bên cạnh cũng buồn lắm. Con của bà là anh em tốt với tôi, tôi đã nhận lời chăm thì sẽ cố gắng hết sức", ông bộc bạch.
Chị Hương (34 tuổi, hàng xóm mẹ con bà Năm) cho biết: "Ông lo cho mẹ nuôi kỹ lắm, giờ tôi thấy hiếm ai chăm người già tốt như vậy. Tôi cũng phục cách chăm sóc của ông với mẹ già".
Ông Bùi Văn Đẹp (tổ trưởng tổ 8, khu phố 5, P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức) xác nhận, hằng ngày ông Tâm chở bà Năm đi bán vé số. "Bà cụ lớn tuổi không có ai chăm sóc nên ông Tâm ở cùng lo cho bà. Mỗi khi bà mệt, ông tự đi bán kiếm tiền nuôi bà", ông Đẹp thông tin.
Bình luận (0)