Sau khi thông tin về Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, chúng tôi có mặt tại thôn 13, xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) - quê hương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ghi nhận tình cảm của nhiều người dân thương tiếc về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
[VIDEO] Tóm tắt tiểu sử của Chủ tịch nước Trần Đại Quang
|
Từ tuyến quốc lộ 10, con đường bê tông rộng chừng 3 m dẫn vào thôn 13, nơi Chủ tịch nước sinh ra và lớn lên, hai bên đường người dân trông ngóng tin về việc tổ chức tang lễ. Đi sâu vào trong thôn, khi được hỏi thông tin về Chủ tịch nước, nhiều người đã không cầm được nước mắt.
|
Bà Trần Thị Liễu (62 tuổi, ngụ tại thôn 13, xã Quang Thiện) không cầm được nước mắt nói: "Tôi đang ăn cơm trưa thì thấy con nhà tôi bảo bác Quang (Chủ tịch nước Trần Đại Quang - PV) mất rồi. Tôi không tin được, mới vài hôm trước còn thấy bác trên tivi, không ngờ bác đi đột ngột quá. Cũng lâu lắm rồi không thấy bác về thăm quê, chắc bác bận việc nước. Giờ đột ngột hay tin bác từ trần ai ai cũng đau buồn”.
[VIDEO] Thầy giáo cũ nhớ Chủ tịch nước: "Có nghĩa với thầy, năm nào cũng về thăm"
|
Cùng chung tâm trạng, ông Bùi Kim Tuyến (59 tuổi, ngụ tại thôn 15, xã Quang Thiện), cho biết nhà ông cách nhà Chủ tịch nước khoảng 3 km, từ khi nghe tin Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần, hôm nào ông cũng đến ngôi nhà của Chủ tịch nước sinh ra và lớn lên (ở thôn 13, xã Quang Thiện) để chia buồn với người thân Chủ tịch nước.
"Buồn quá các chú ạ. Chủ tịch nước - người con của quê hương Quang Thiện chúng tôi mất thật rồi. Tuy chỉ đôi lần được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhưng tôi thấy yêu mến và quý trọng ông, người con ưu tú đất Quang Thiện”.
|
Nhà bà Trần Thị Đang (75 tuổi, ngụ tại thôn 13) cách nhà Chủ tịch nước chỉ khoảng 100 m. Nhớ lại thời thơ ấu, bà Đang cho biết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh ra trong gia đình nông dân bình thường như bao gia đình khác ở vùng quê Quang Thiện. Khi lớn lên và học hành thành đạt. Từ khi làm thứ trưởng, bộ trưởng Bộ Công an, rồi Chủ tịch nước ông cũng ít khi về thăm quê vì bận bịu công việc.
“Tiếc thương quá, đến giờ tôi vẫn chưa tin Chủ tịch nước từ trần. Những ngày này dân làng chúng tôi sẽ không tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ gì nữa và treo cờ rủ để tang Chủ tịch nước. Còn vài ngày nữa đến tết Trung thu, định năm nay cũng tổ chức cho các cháu vui chơi, nghe thư Chủ tịch nước, nhưng giờ chúng tôi sẽ dừng hết, không loa đài gì nữa” – bà Đang nói.
|
Cách nhà Chủ tịch nước khoảng 6 km và tuổi đã cao, nhưng bà Trần Thị Kim Liên (ngụ tại thôn 10, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn) vẫn nhớ như in ký ức về những ngày tháng Chủ tịch nước lặn lội đường xa chăm chỉ học hành. Bà kể, gia đình bà và gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuy không có quan hệ họ hàng nhưng bà có quan hệ thân thiết với bố mẹ của Chủ tịch nước.
"Khổ nhất có lẽ là mẹ của Chủ tịch nước, nhà đông con (cả Chủ tịch nước Trần Đại Quang là 6 anh chị em - PV), nuôi cho các con đủ ăn đã khó còn phải được học cho bằng bạn bằng bè nữa. Ngày đó, bố Chủ tịch nước mất sớm, mẹ ông phải đi mò cua, bắt ốc, có hôm còn đi bán chuối, bán trầu nuôi các con. "Không phụ công mẹ, Trần Đại Quang rất chăm chỉ học hành, trở thành người đứng đầu đất nước. Giờ đột ngột ra đi thế này, tội quá", bà Liên nói.
Như Thanh Niên đã thông tin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần lúc 10 giờ 5 phút ngày 21.9.2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thọ 62 tuổi.
Bình luận (0)