Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm TP.HCM liên tiếp nhận được điện thoại từ người dân trên địa bàn TP.HCM báo cáo và bàn giao các cá thể động vật rừng quý hiếm, nguy cấp.
Động vật rừng quý hiếm, trăn "khủng" được bàn giao
Sáng 14.3, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận từ người dân trên địa bàn TP.Thủ Đức (TP.HCM) bàn giao 2 cá thể khỉ thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Theo đó, 2 cá thể khỉ này được gia đình bà Bùi Thị Bên, 59 tuổi, ngụ P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức nuôi từ nhỏ. Đến nay, con khỉ đực (khỉ đuôi lợn) có trọng lượng 8 kg, khỉ cái (khỉ đuôi dài) có trọng lượng 4 kg.
Trong suốt thời gian nuôi, theo bà Bên, 2 con khỉ tỏ ra hiền lành, gia đình rất quý mến. Tuy nhiên, thời gian gần đây khỉ cái thường bị khỉ đực "ăn hiếp", thấy tội con vật nên gia đình bà quyết định bàn giao cho kiểm lâm để thả về môi trường tự nhiên.
"Mình nuôi 2 bé lâu rồi nên mến tay, mến chân. Nó đi rồi thật sự buồn lắm. Nhưng để hai bé có môi trường sống tốt hơn mình nên trả chúng về với tự nhiên", bà Bên chia sẻ.
Xem tin tức trên báo, đài thấy nhiều người cũng bàn giao động vật hoang dã cho kiểm lâm nên gia đình bà Bên cũng an tâm, con vật được thả về tự nhiên, sống tốt hơn ở môi trường không nuôi nhốt.
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM liên tục tiếp nhận từ người dân trên địa bàn TP.HCM tự nguyện bàn giao nhiều cá thể động vật rừng quý hiếm.
Cụ thể, sáng 25.10.2022, anh Nguyễn Văn Hà, 32 tuổi và anh Bùi Quang Khải, 23 tuổi, cùng là kỹ sư tại một công ty, chạy tập thể dục trên đường gần công ty trên địa bàn Q.12, phát hiện một túi lưới, bên trong có con vật còn sống nên đến xem.
Con vật sau đó được 2 anh đưa về công ty. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, biết đây là tê tê nên 2 anh trình báo với cơ quan chức năng để bàn giao.
Đến tiếp nhận con vật, kiểm lâm xác định đây là tê tê Java (tên khoa học là Manis javanica), thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm, giới tính cái, nặng khoảng 4 kg, dài chừng 70 cm.
Ngày 27.12.2022, lực lượng kiểm lâm tiếp nhận từ một người dân tại Q.7 tự nguyện bàn giao con trăn nặng khoảng 53 kg.
Tiếp đó, ngày 15.2.2023, ông Đặng Đình Quốc (55 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) tự nguyện bàn giao cho kiểm lâm con trăn đất nặng 63 kg.
Con trăn này được ông Quốc mua từ một người bán dạo, nuôi khi con vật chỉ bằng ngón tay. Hằng ngày, ông Quốc ra chợ mua nhái, lấy lồng đi bẫy chuột, mua đầu gà làm sẵn để nuôi trăn. Đến nay, con trăn được ông Quốc nuôi 23 năm, rất to và dài.
"Thấy con trăn to lớn, nhiều người hỏi mua nhưng tôi không bán vì sợ người ta giết con vật", ông Quốc chia sẻ và quyết định bàn giao cho kiểm lâm. Đây là 2 con trăn lớn nhất mà Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận từ người dân trong 5 năm qua.
Có gia đình tự nguyện bàn giao đến 2 lần
Trong thời gian gần đây, liên tiếp nhiều con trăn có kích thước lớn ngoài 20 kg cũng được người dân tại H.Bình Chánh, Q.7, Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức (TP.HCM) bàn giao cho kiểm lâm để chăm sóc cứu hộ trước khi thả về tự nhiên.
Không chỉ trăn, tê tê mà các loại động vật khác như khỉ, cá xấu, culi, rùa, cò lửa, chim cổ rắn... cũng được người dân tự nguyện bàn giao cho kiểm lâm. Có gia đình tự nguyện bàn giao động vật rừng quý hiếm đến 2 lần.
Có trường hợp một ngôi chùa tại Q.1 (TP.HCM) bàn giao hơn 50 con rùa, phần lớn thuộc nhóm IIB, trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm; trong đó, có con rùa nặng đến 15 kg.
Tất cả số rùa trên được người dân, phật tử mang đến phóng sinh tại chùa; được thả trong thủy cảnh. Sau một thời gian, số rùa tăng lên và để số rùa này được đảm bảo sinh trưởng tốt, chùa đã bàn giao cho kiểm lâm để thả về tự nhiên.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm
Ông Nguyễn Quang Hoàng, Phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã - Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, xác nhận thời gian qua, đơn vị tiếp nhận nhiều cuộc gọi từ người dân bàn giao động vật rừng quý hiếm.
Theo ông Hoàng, việc này xuất phát từ ý thức người dân tăng cao, công tác tuyên truyền của báo chí mang lại hiệu quả.
"Trước đây có những trường hợp người dân cũng muốn giao nhưng không biết nơi giao ở đâu, giao có an toàn cho con vật không. Việc báo chí đưa thông tin tuyên truyền đã góp phần lan tỏa nhận thức người dân", ông Hoàng khẳng định.
Ông Hoàng cũng cho hay, theo quy định hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái pháp luật động vật hoang dã hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, khi nuôi nhốt, bản chất hoang dã con vật vẫn còn, người nuôi có thể bị tấn công, gây nguy hiểm.
Do đó, người dân có nuôi hoặc phát hiện thì báo cơ quan chức năng gần nhất, kiểm lâm để xử lý, tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc, thả về tự nhiên.
Bình luận (0)